Thứ Năm, 25/04/2024 20:37:31 GMT+7

Tin đăng lúc 25-07-2017

Lượt xem: 3735

Sao không phát triển mô hình nuôi động vật quý hiếm để giải quyết đầu ra cho nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm?

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nông dân ở khu vực nông thôn, bằng việc áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả và chế biến...
Sao không phát triển mô hình nuôi động vật quý hiếm để giải quyết đầu ra cho nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm?
Chùa cọp ở Kanchanaburi, Thailand

Thành quả lớn lao của ngành Nông nghiệp là đã giải quyết cơ bản vấn đề an ninh lương thực. Từ chỗ nước ta không có đủ lương thực, đến nay không những dư thừa mà còn xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Tiếp theo gạo là hàng loạt các sản phẩm thủy sản, hải sản, nông sản, thực phẩm, hoa trái, hạt, củ quả... đều được xuất khẩu sang thị trường các châu lục khó tính như: Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Anh...

 

Thành quả đáng tự hào của ngành Nông nghiệp còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm... giúp cho trên 80% dân số Việt Nam, những người làm nông nghiệp vươn lên, có cơ hội thoát nghèo và làm giàu từ chính đầm hồ, thửa ruộng, mảnh vườn, vạt đồi, nương rẫy của mình. Sản phẩm của ngành Nông nghiệp tuy giá trị không bằng sản phẩm của ngành công nghiệp, nhưng lại vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống thường nhật của mỗi người dân. Người ta có thể dừng đi ô tô, xe máy, tàu hỏa mươi ngày, nhưng không thể dừng ăn cơm vài bữa. Sản phẩm nông nghiệp có trong đời sống đông đảo người dân chúng ta và mang tính ổn định xã hội rất lớn. Chính lẽ đó mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã khẳng định “Phi nông bất ổn”.

 

Trong một xã hội nếu không phát triển nông nghiệp sẽ không ổn định đời sống bình dị của đại đa số nhân dân. Mối đe dọa về mất an ninh lương thực sẽ ảnh hưởng hiệu ứng rất lớn đến khu vực và toàn cầu. Chúng ta đã thấm thía cái cảnh nhà hết gạo ăn của thời bao cấp những năm 79, 80 phải đi vay gạo ăn đong từng bữa, rồi phải ăn độn đủ thứ, thật cơ cực và bần hàn biết nhường nào! Bởi vậy, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu, đưa một nước nông nghiệp đông dân, từ chỗ ăn không đủ đến mức dôi dư để xuất khẩu và nhu cầu xã hội ngày nay đã được nâng cao, ăn phải ngon, ăn có chọn lọc, giá trị sản phẩm phải đảm bảo chất lượng cao.

 

Tuy nhiên, trong thời mở cửa và hội nhập của đất nước, sản phẩm của ngành Nông nghiệp đã phát triển rất phong phú, đa dạng và dồi dào. Sự tác động của khoa học công nghệ thế giới đến nông nghiệp trong nước đã góp phần đẩy nhanh năng lực sản xuất của các nhóm nghề trong ngành nông nghiệp. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nên sản phẩm có lúc dôi dư, cung vượt quá cầu. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới nên xuất khẩu không được, thị trường trong nước thì tiêu thụ rất chậm, dẫn đến tình trạng ế đọng sản phẩm thường xuyên diễn ra. Thực tiễn đã chỉ ra nhiều bài học xương máu cho nông dân làm nông nghiệp, “được mùa rớt giá”, các sản phẩm trái cây thanh long, vải thiều, dưa hấu, sữa bò, hồ tiêu, hạt điều, cá ba sa, gia cầm và đau đớn nhất là thịt lợn xuống giá trầm trọng, thê thảm vừa qua. Giá lợn từ 40.000 đồng/1 kg lợn hơi tụt xuống 30.000 đồng, có còn xuống 20.000 đồng, thậm chí 15.000 đồng/1 kg lợn hơi.

 

Những hệ lụy vì giá cả bấp bênh, tăng giảm thất thường đã làm điêu đứng biết bao trang trại, bao gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Có gia đình phải thả lợn, xua đuổi chúng ra bìa rừng vì nuôi cầm cự sẽ không đủ sức. Vậy bài toán cho ngành Nông nghiệp Việt Nam là phải tìm đầu ra cho các sản phẩm của ngành một cách ổn định lâu dài, bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, thiết thực, giúp nông dân, những người một nắng hai sương, đầu tắt mặt tối, tần tảo, chăm chỉ, miệt mài sớm hôm làm ra sản phẩm cho xã hội, nhưng lại phải chấp nhận thảm cảnh rớt giá và trắng tay trong thời khắc vậy.

 

 

Nhiều hộ nông dân khổ sở vì giá lợn mất giá thê thảm

 

Vừa qua, ngành nông nghiệp nước ta đã có nhiều biện pháp kích cầu và kêu gọi mọi người cứu giúp nông dân bằng việc tích cực tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Song suy cho cùng, đó là cách giải quyết tình thế, không cơ bản lâu dài, không bền vững. Là người làm báo, được đi nhiều nơi, tôi mạnh dạn đề xuất một cách có thể gọi là lâu dài để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là lợn, gà.

 

Nhìn ra các nước láng giềng như ở Thái Lan, họ có cách tư duy khác hẳn với Việt Nam mình. Ở đất nước họ không có chuyện cấm đoán các hoạt động mang lại lợi ích cho quốc gia. Nước ta có cái cấm không mang lại lợi ích xã hội, mà chỉ là rào cản ngăn lối, đẩy lùi sự phát triển đi lên của xã hội, ví dụ cấm nuôi các động vật quý hiếm như hổ, báo, gấu... Theo quan điểm của ngành Kiểm lâm cho rằng: “Những động vật quý hiếm cần được bảo vệ, cấm buôn bán, vận chuyển và nuôi giữ...”. Thế nhưng thực tế đã cho thấy những chú hổ, báo, gấu khi được bắt về nuôi ở các công viên, sở thú, thảo cầm viên... đã không được chăm sóc đầy đủ, nên sau một năm thì gầy gò, ốm yếu một cách đáng thương. Còn để cho gia đình người dân nuôi thì béo tốt, khỏe mạnh.

 

Nếu ở Việt Nam hãy cầu thị học theo Thái Lan, cho phát triển thành những trang trại lớn nuôi hổ, báo, gấu để lấy xương nấu cao làm dược phẩm vô cùng quý giá cho sức khỏe con người. Đặc biệt là những khi gia cầm, gia súc rớt giá thảm hại như vừa qua, người nuôi thú quý chỉ việc thu mua, tích trữ vào kho lạnh cả nhiều năm, đủ để nuôi nhiều lứa hổ, báo lớn lên, cho chúng ta biết bao dược phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, vừa tăng nguồn thu cho xã hội, lại kích cầu cho nông dân, tăng đàn gia súc, gia cầm phát triển mạnh mẽ mà không lo đầu ra bị rớt giá. Trên thực tế, nếu là thú quý hiếm thì cần phải được phát triển nhân rộng để cho nhân dân được hưởng thụ những giá trị của sản phẩm quý hiếm đó, chứ sao lại phải cấm?

 

Vậy chúng ta có nên áp dụng “mô hình Thái Lan” về chăn nuôi hổ, báo, gấu thành những trang trại khổng lồ giúp tăng nguồn thu, việc làm cho xã hội. Theo thiển nghĩ của tôi, việc tìm đầu ra cho nông dân về các sản phẩm nông nghiệp còn rất nhiều bước đường gian nan và phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Song cái gì trong nước có thể làm được thì nên cởi trói, không câu nệ, kìm hãm sức sản xuất của nhân dân. Cũng như câu chuyện về văn hóa dân gian, trong các lễ hội chọi trâu, chém lợn, đâm trâu, treo thít cổ trâu cho giãy đến chết... Những lễ hội mang đầy sắc thái bạo lực, không còn phù hợp với nét nhân văn của thời hội nhập, cũng cần phải xem xét lại nên duy trì hay loại bỏ. Vậy cần lắm một quan điểm mạnh dạn đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trong việc cải cách hành chính, sửa đổi lề lối tác phong làm việc, đặc biệt là đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới tư duy, tầm nhìn, sao cho phù hợp với quy luật vận động của mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng. Cái gì không có lợi cho dân thì cần phải kiên quyết loại bỏ, cái gì có lợi cho dân thì cần phải tiếp thu, cầu thị, nhân rộng và cho phát triển. Đấy phải chăng cũng là quan điểm “lấy dân làm gốc” vậy./.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang