Thứ Bẩy, 20/04/2024 06:13:40 GMT+7

Tin đăng lúc 20-09-2019

Lượt xem: 2145

Sẽ “quản chặt” hoạt động thương mại điện tử

Ngày 19/9/2019, tại cuộc Tọa đàm “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên, cần sờm hoàn thiện khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động này để tránh rủi do về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… qua phương thức kinh doanh này.
Sẽ “quản chặt” hoạt động thương mại điện tử
Sẽ sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý điểu chỉnh hoạt động kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử

Phát triển nhanh nhưng quá nhiều rủi ro

 

Nhận định về tình hình phát triển TMĐT thời gian qua, ông Vũ Hùng Sơn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) – cho biết, cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến và đa dạng, đem lại giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân.

 

Theo số liệu công bố của Statista - Hãng nghiên cứu thị trường Đức - năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD và nằm trong top 6 nền TMĐT phát triển nhất năm 2018. Còn theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 trung bình từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.

 

Đặc biệt, thống kê của Nielsen Việt Nam và Tập đoàn Miniwatts Marketing cho thấy, 85% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, xếp thứ 13 trong 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam dành bình quân 7 tiếng một ngày cho hoạt động trực tuyến. Doanh thu TMĐT năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự báo đến năm 2020 doanh thu TMĐT tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, hoạt động TMĐT hiện đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống sản xuất, kinh doanh.

 

“Qua công tác kiểm tra của Ban chỉ đạo 389, chúng tôi đã nhận diện cơ bản đầy đủ các hành vi, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng TMĐT để vi phạm páp luật về hàng giả, hành nhái, hàng kém chất lượng…” – Ông Sơn nói và cho biết cụ thể, hầu hết các hành vi vi phạm trong môi trường kinh doanh truyền thống thì đều xảy ra trên môi trường kinh doanh TMĐT, thậm chí ở mức độ phổ biến và phức tạp hơn.

 

Đơn cử như với sản phẩm thuốc cigar nhập lậu, cigar không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, sau khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hiện không còn tình trạng bày bán công khai tại các cửa hàng. Tuy nhiên trên môi trường TMĐT, thông qua các trang website bán hàng, các mạng xã hội, chúng ta vẫn rất rễ ràng thấy nhiều đối tượng rao bán công khai. “Và cũng tương tự với các mặt hàng khác, thậm chí có cả hàng cấm” – Ông Sơn khẳng định.

 

Ông Sơn cũng chỉ ra hành vi lợi dụng các trang website bán hàng uy tín, như: Lazada, Vietnam Airline… thậm chí lợi dụng ngay cả logo của Bộ Công Thương mặc dù chưa đăng ký vói Bộ Công Thương để rao bán hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu... với mục tiêu là lừa đảo khách hàng.

 

Sớm hoàn thiện hàng lang pháp lý đối với hoạt động TMĐT

 

Trong khi tình trạng lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật về hàng hoá diễn biến phức tạp thì hệ thống hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này còn thiếu và chồng chéo.

 

Cụ thể, theo ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan – hiện ngành Hải quan chưa có quy định riêng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu thông qua TMĐT. Hiện hoàng hoá xuất, nhập khẩu thông qua TMĐT được thông quan thông qua sự chỉ định của các sàn TMĐT, như: Ebay, Amazon…; qua các công ty chuyển phát nhanh theo yêu cầu của khách hàng trong nước; và thứ ba là thông qua hình thức xách tay hoặc hình thức cư dân biên giới. Tuy nhiên, thủ tục thông quan vẫn thực hiện như hàng hoá nhập khẩu thông thường mà không có quy định riêng đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu thông qua hình thức TMĐT.

 

“Trong khi đó, do hàng hoá thực hiện giao dịch qua hình thức TMĐT, thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử rất khó xác định giá trị giao dịch thực tế để xác định mức thuế gặp khó khăn, nhất là với hàng hoá gửi thông qua hình thức chuyển phát nhanh, quà biếu, quà tặng” – Ông Tuấn nêu thêm vướng mắc và cho biết, ngay cả pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu hiện cũng chưa có quy định cụ thể đối với một số hàng hoá giao dịch thông qua TMĐT nên nhiều mặt hàng khi nhập về không thể thông quan.

 

Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

 

“Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng đang xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT” – Ông Vũ Hùng Sơn nói và cho biết, theo Kế hoạch này, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, lực lượng chức năng trung ương và địa phương được phân công thực hiện kế hoạch phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật…

 

“Quá trình thực hiện Kế hoạch không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, gây cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân” – ông Sơn khẳng định.

 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương – ngay từ năm 2013, Bộ Công Thương đã xây dựng Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT. Sau gần 8 năm vận hành, Cổng thông tin này đã tổng hợp toàn bộ quy trình quản lý TMĐT của các doan nghiệp kinh doanh TMĐT. Cùng đó, hằng năm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đều xuất bản Sách trắng TMĐT thường niên, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin về phát triển TMĐT tại Việt Nam.

 

Nói về giải pháp của ngành Công Thương, bà Huyền cho biết, đã phát động những chương trình lớn “Nói không với hàng giả trong TMĐT” và mời một số sàn TMĐT lớn của Việt Nam, như: Ladaza, Sendo, Adayroi, Tiki… ký cam kết không bán hàng giả và vào cuối năm nay, sẽ cho ra mắt một Sub mới chống hàng giả trong TMĐT tại địa chỉ: Chonghanggia.online.gov.vn trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương . Trên Sub này, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng một cơ chế phản ánh và giải quyết các tranh chấp đối với các giao dịch có liên quan đến những vi phạm về xuất xứ, hàng giả trong TMĐT.

 

Còn đối với doanh nghiệp hoạt động TMĐT cũng như người mua hàng, ông Âu Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền và các diễn giả đưa ra khuyến nghị, trước hết các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các chính sách quản lý hiện hành của các cơ quan quản lý liên quan để chủ động hoàn thiện thủ tục cấp phép xuất, nhập khẩu, tránh trường hợp hàng hoá không đáp ứng các điều kiện về kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra về thuế.

 

Đối với khách hàng cũng cần nghiên cứu các chính sách hiện hành, đông thời nên lực chọn những trang TMĐT có uy tín, kể cả trong và ngoài nước trước khi đặt hàng online để tránh mua phải hàng hoá không đúng như quảng bá, đồng thời, tránh những vướng mắc về pháp lý liên quan khi mua hàng.

 

Theo Báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang