Thứ Ba, 23/04/2024 13:55:34 GMT+7

Tin đăng lúc 02-02-2016

Lượt xem: 4866

Sở Giao thông vận tải Điện Biên: Phát triển giao thông nông thôn nhằm thúc đẩy CNH – HĐH nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo bền vững

Giao thông nông thôn có vai trò là đầu mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của những người nông dân làm nông nghiệp, sinh sống ở nông thôn.
Sở Giao thông vận tải Điện Biên: Phát triển giao thông nông thôn nhằm thúc đẩy CNH – HĐH nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo bền vững
Hệ thống giao thông nông thôn Điện Biên ngày càng được hoàn thiện

Đây chính là chính sách “tam nông” mà Đảng và Nhà nước ta đang đầu tư một cách mạnh mẽ cho chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ở các bản làng xa xôi, vùng sâu, vùng kinh tế chậm phát triển như Điện Biên, giao thông nông thôn đang là vấn đề rất bức thiết, rất cần được Chính phủ, Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân ở vùng này.

 

Giao thông nông thôn (GTNT) bao gồm các tuyến đường huyện, đường xã, trục đường nội đồng và đường thôn bản nối liền tới các thị trường, các khu vực kinh tế nông nghiệp, phi nông nghiệp và các dịch vụ xã hội khác. GTNT chủ yếu là đường bộ, cầu cống, bến đò, bến cảng đảm bảo hoạt động của các loại phương tiện cơ giới loại trung, nhẹ và xe thô sơ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. GTNT được kết nối với đường quốc lộ, tỉnh lộ, trung tâm các huyện tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn được xem như là một đầu vào cơ bản để kích thích phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và cung ứng tốt hơn công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, tiếp cận tới các cơ sở kinh tế và xã hội, các dịch vụ (tín dụng, công nghệ, thông tin, truyền thông...). GTNT góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phân bố lại dân cư, khai thác tiềm năng kinh tế đồi, rừng, lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu. Xây dựng GTNT là yêu cầu khách quan trong tiến trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH – HĐH đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn và tạo điều kiện giao thông đi lại thuận lợi.

 

Điện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp, chiều dài đường GTNT lớn, hầu hết các tuyến đường chưa được đưa vào cấp, hoặc chỉ được đầu tư xây dựng với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống công trình thoát nước chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, mức đóng góp của nhân dân còn hạn chế, nên các công trình chủ yếu thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mới đáp ứng được một phần về điều kiện đi lại, hiệu quả đầu tư và chất lượng khai thác còn nhiều hạn chế.

 

Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng Đề án thực hiện bê tông hóa hệ thống đường GTNT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung khai thác mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội, đồng thời thiết lập cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển đồng bộ hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh cho từng giai đoạn.

 

Mạng lưới GTNT tỉnh Điện Biên những năm qua đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển mạnh, nhưng so với nhu cầu còn thiếu cả về số lượng, kém về chất lượng. Do đặc thù địa hình miền núi chia cắt phức tạp, cùng với tập quán cư trú làng bản rải rác của đồng bào các dân tộc nên mạng lưới giao thông phân bố không đều.

 

 

Bê tông hóa đường vào bản ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên

 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có đường ô tô đến được 130/130 xã, phường, thị trấn, có 110/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm đạt tỷ lệ 84,,6%), có 20/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã chỉ đi lại được mùa khô (tỷ lệ 15,4%), có 85/116 xã có đường ô tô được kiên cố (nhựa hóa hoặc bê tông hóa) đến trung tâm xã (tỷ lệ 73,%), còn lại 31/116 xã chưa có đường ô tô được kiên cố (nhựa hóa hoặc bê tông hóa) đến trung tâm xã, tỷ lệ 26,7%).

 

Từ những số liệu trên cho thấy, mạng lưới GTNT tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng tốc độ còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế từng vùng miền và tỷ lệ các xã và các thôn bản đã có đường ô tô và đường xe máy chỉ đi lại được mùa khô còn chiếm tỷ lệ khá cao, do vậy đã làm hạn chế đến việc lưu thông hàng hóa, xóa đói giảm nghèo và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh của các huyện thị và khu vực. Hầu hết các tuyến đường chưa được vào cấp kỹ thuật, đường nhỏ hẹp, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật phải châm chước như bán kính đường cong, độ dốc dọc, tầm nhìn, tải trọng công trình trên đường, mặt đường nhựa nhiều tuyến do đầu tư đã lâu nên xuống cấp và hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu tải trọng xe lưu thông trên tuyến. Hệ thống cầu cống được xây dựng, nhưng chưa đầy đủ, đa số công trình thoát nước có tải trọng thiết kế cho xe tải nhẹ qua lại (tải trọng ≤10tấn), khổ cầu hẹp (≤4m) nên còn bất cập so với nhu cầu hiện nay. Một số vị trí qua suối lớn do chưa có điều kiện xây dựng cầu mới chỉ xây dựng ngầm tạm, đường tràn, phần lớn các tuyến đường đều thiếu hệ thống rãnh dọc, cống thoát nước ngang. Vì vậy, khi mưa lũ đến thường xuyên gây xói lở, cắt đứt nền đường, gây ách tắc giao thông.        

 

Việc duy tu bảo dưỡng đường GTNT mới chỉ thực hiện ở mức độ đơn giản, kinh phí hạn hẹp (kinh phí tỉnh, địa phương và huy động đóng góp ngày công lao động của nhân dân) chưa đáp ứng nhu cầu kinh phí cần thiết để thực hiện duy tu bảo dưỡng, bảo trì, vì thế đường GTNT nhanh xuống cấp, hành lang an toàn giao thông chưa được thiết lập và bảo vệ theo quy định.

 

Như vậy, hệ thống GTNT các tuyến đường đến trung tâm xã và liên xã rất cần được đầu tư để nâng cấp cải tạo bê tông hóa mặt đường, hệ thống công trình thoát nước nhằm đi lại được 4 mùa là rất lớn. Do đó, việc xây dựng đề án sẽ góp phần giảm bớt các bất cập trên, đồng thời tạo cơ sở để triển khai thực hiện và đầu tư phát triển hệ thống GTNT của tỉnh trong thời gian tiếp theo.

 

Ngành giao thông Điện Biên và tỉnh Điện Biên rất mong được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành có liên quan bố trí kinh phí cấp vốn đối với phần kinh phí do Nhà nước hỗ trợ để Đề án bê tông hóa đường GTNT tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030 sớm được triển khai, hoàn thành, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển GTNT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn, nâng cao đời sống nhân dân cho các dân tộc vùng sâu, vùng xa./.

 

Xuân Trường


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang