Thứ Năm, 25/04/2024 11:05:09 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2016

Lượt xem: 3765

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên: Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng KT-XH và nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh

Với vị trí là tỉnh nằm phía đông nam của thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hưng Yên có hệ thống giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư như quốc lộ 5, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hệ thống lưới điện quốc gia có khả năng liên kết, phân phối, đáp ứng được nhu cầu phụ tải trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên: Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng KT-XH và nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh
Nhiều doanh nghiệp lớn chọn Hưng Yên để đầu tư

Bên cạnh đó, Hưng Yên có nguồn nhân lực dồi dào và có khả năng thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các tỉnh và thành phố lớn. Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư từ các tỉnh và các nước trong khu vực, phục vụ phát triển KT-XH. Nhằm phát huy những lợi thế của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, Hưng Yên đã tổ chức lập quy hoạch phát triển 10 KCN tập trung trên địa bàn tỉnh với quy mô diện tích 2.381 ha, làm cơ sở huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, tạo mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Đến nay đã có 3 KCN: KCN Phối Nối A, Dệt May – Phố Nối và Thăng Long II với quy mô 1.062 ha đã thành lập và đi vào hoạt động. Các KCN này được các chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bao gồm: Hệ thống đường giao thông nội bộ KCN, hệ thống cấp nước thoát nước, cấp điện, hệ thống PCCC, nhà máy cấp nước và nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đưa vào hoạt động, đảm bảo các điều kiện hạ tầng, để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư và đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư vào trong các KCN. Trong đó, KCN Thăng Long II do Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản làm chủ đầu tư. KCN này là một trong các KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại bậc nhất Việt Nam, hiện nay đang là địa điểm có khả năng thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 344 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.212 triệu USD (trong đó: Ngoài KCN là 186 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 652 triệu USD, trong KCN là 158 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.560 triệu USD). Vốn đầu tư thực hiện trong quý I năm 2016 của các dự án đạt khoảng 95,71 triệu USD, kết quả trên chủ yếu là do có một số dự án lớn tiếp tục triển khai, có vốn đầu tư lớn.

 

Hiện có 265 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đ́ó, ngoài KCN là 133 dự án, trong KCN là 132 dự án, doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quý I năm 2016 ước đạt khoảng 750 triệu USD, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2015; nộp ngân sách nhà nước ước đạt khoảng 13,8 triệu USD, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2015; số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 57.000 lao động, chiếm 38% số lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Việc tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp tăng nhanh, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực có trình độ kỹ thuật cao, từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển đã làm cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước kế thừa, tiếp cận và ứng dụng nền công nghiệp hiện đại từ các nước phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 

Các dự án đầu tư vào trong KCN nhìn chung triển khai nhanh, đảm bảo đúng tiến độ và mục tiêu đăng ký, sử dụng đất có hiệu quả và cơ bản tuân thủ các quy định về xây dựng và môi trường. Đến nay, trong số các dự án đầu tư còn hiệu lực trong KCN, đã có 235 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 84% tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 2,15 tỷ USD, bằng 84% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 10.000 tỷ đồng, bằng 82% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án có vốn đầu tư trong nước. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị doanh thu hàng năm ước đạt trên 4 tỷ USD, giá trị nhập khẩu là 2.500 tỷ USD, giá trị xuất khẩu là 3 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 1.600 tỷ đồng. Giải quyết thêm việc làm mỗi năm khoảng 5.000 lao động, nâng tổng số lao động đang làm việc tại các KCN lên 40.000 lao động. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động sau cấp phép cũng được quan tâm chú trọng, hoạt động kiểm tra giám sát đầu tư, quản lý quy hoạch xây dựng, bảo vệ môi trường luôn được tăng cường, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

 

Trong thời gian qua, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài đã được nâng cấp, tuy nhiên đôi khi vẫn không truy cập được, ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ của nhà đầu tư, cũng như quá trình tác nghiệp của cơ quan đăng ký đầu tư.Do vậy rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông quốc gia về đầu tư để đảm bảo hoạt động ổn định và thông suốt, đẩy nhanh tốc độ truy cập vào hệ thống và có hướng dẫn cụ thể về thời gian thẩm định hồ sơ đối với các dự án nộp gần vào các ngày nghỉ lễ, tết (tết nguyên đán, nghỉ lễ 30/4 và 01/5). Bên cạnh đó, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như Thông tư hướng dẫn thực thi Nghị định trên.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang