Thứ Năm, 25/04/2024 19:44:13 GMT+7

Tin đăng lúc 23-06-2017

Lượt xem: 5079

Sơn La: Hiệu quả từ mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè

Mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè hiện đang đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho người dân tại một số huyện của tỉnh Sơn La. Những năm qua, chính sách khuyến công đã giúp cho các cơ sở sản xuất chè thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và số lượng sản phẩm, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Sơn La: Hiệu quả từ mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè
Dây chuyền sản xuất, chế biến chè tại HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận

Việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè nhằm chứng minh hiệu quả và tính khả thi khi áp dụng kỹ thuật, máy móc, công nghệ mới, đồng thời trình bày các bước áp dụng kỹ thuật và triển vọng nhân rộng mô hình tới các đơn vị, cơ sở sản xuất chè từng bước nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chè xanh chất lượng cao” được triển khai tại các địa phương trồng chè trên địa bàn tỉnh đã giúp thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, giúp giá trị sản xuất tăng cao.

 

Là một trong những đơn vị sản xuất, chế biến chè lớn trong tỉnh nhận được sự hỗ trợ là 200 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái (Thuận Châu) đã đăng ký mua sắm thiết bị chuyển giao công nghệ máy sấy phục vụ chế biến chè. Sau khi lắp đặt máy móc, vận hành chạy thử đạt yêu cầu, đến tháng 7/2016, Hợp tác xã đã đưa vào vận hành thiết bị sản xuất chế biến chè với công nghệ máy sấy, giúp giảm chi phí nhân công và nhiên liệu, góp phần giảm giá thành, sản phẩm chè chất lượng cao, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế. Hiệu quả đem lại từ việc chuyển giao công nghệ tại HTX này có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu như trước đây, HTX sử dụng công nghệ sấy cũ, chỉ có thể sơ chế 6-8 tấn chè/ngày đêm, năng suất không cao, trong khi sản lượng chè thu mua của người dân ngày càng tăng, không đáp ứng được nhu cầu chế biến chè thành phẩm thì sau khi lắp đặt công nghệ sấy mới, công suất tăng lên 18-20 tấn chè/ngày đêm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản phẩm xuất khẩu.

 

Tại Công ty Chè Mộc Châu, nếu như trước đây, Công ty thường sử dụng phương pháp chế biến bằng lò sấy trực tiếp nên tốn nhiều nhiên liệu, khi vò, sấy, búp chè tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao của than nên sản phẩm hay bị cháy, vụn nát, nước chè bị đỏ. Thì nay, nhờ nhận được sự quan tâm, tư vấn của TTKC cùng với quyết tâm đổi mới công nghệ của lãnh đạo đơn vị, Công ty đã quyết định đầu tư công nghệ sao lăn định hình chè qua hệ thống cấp hơi nóng có thiết bị cảm biến nhiệt, trong đó TTKC đã hỗ trợ xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất và chế biến chè xanh chất lượng cao (Supper Green), với tổng vốn đầu tư xây dựng mô hình trên 1 tỷ đồng (kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 350 triệu đồng mua máy móc thiết bị hoàn thiện mô hình, tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình, chi phí quản lý, kiểm tra, giám sát, còn lại là doanh nghiệp tự bỏ vốn).

 

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Từ hiệu quả thực tế sau khi triển khai Đề án, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho tỉnh trong việc hỗ trợ mua sắm các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ chế biến chè. Mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

 

Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La đã hỗ trợ 800 triệu đồng cho 4 doanh nghiệp sản xuất chè gồm:  HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (Mộc Châu); Doanh nghiệp tư nhân Châu Tứ (Mộc Châu); Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương được hỗ trợ máy móc tiên tiến trong sản xuất chè Ô long cao cấp và chè túi nhúng xuất khẩu (Mộc Châu); HTX sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (Thuận Châu) được hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất và chế biến chè xanh chất lượng cao.

 

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang