Thứ Sáu, 29/03/2024 17:21:52 GMT+7

Tin đăng lúc 09-05-2017

Lượt xem: 3447

Tại sao người Việt chưa mấy mặn mà với hàng Việt?

Hội nhập, mở cửa, hàng hóa ngoại tràn ngập thị trường trong nước làm cho sản xuất gặp vô vàn khó khăn, thâm hụt thương mại ngày một tăng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài nhiều năm qua. Tại sao vậy? Phải chăng, người Việt không mặn mà với hàng Việt vì chất lượng thấp, hay vì công tác truyền thông chưa đạt?
Tại sao người Việt chưa mấy mặn mà với hàng Việt?
Thanh niên Tp. Hải Phòng đạp xe, diễu hành hưởng ứng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2016”

Thực tế cho thấy, dường như không phải do những vấn đề nêu trên vì hàng hóa nước ngoài được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam vẫn là hàng Trung Quốc mà các loại hàng hóa thông thường của Trung Quốc đa phần bị mang tiếng là kém chất lượng. Vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là giá cả. Hàng Trung Quốc giá quá “bèo” so với giá của hàng Việt Nam và đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho người Việt chưa mặn mà với hàng hóa Việt. Ví dụ, một qủa trứng gà được nhập từ Trung Quốc về đến Việt Nam chỉ có khoảng 1.300 đồng, trong khi giá vốn của một quả trứng tương tự ở Việt Nam đã gần 1.800 đồng. Không riêng gì trứng gà mà hầu hết các loại hàng hóa thông thường khác của Trung Quốc thường rẻ hơn các loại hàng hóa cùng loại của Việt Nam từ 20-30%. Một mức chênh lệch rất đáng kể đối với người tiêu dùng, nhất là những người có gia cảnh khó khăn phải tính toán từng đồng chi tiêu.

 

Tại sao điều này có thể xảy ra? Người Trung Quốc có “bí quyết” gì để có thể sản xuất ra hàng hóa có giá thành rẻ đến vậy, hay các nhà sản xuất Việt Nam kém hơn? Thực ra, khi nhìn vào các cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường, cùng loại ở cả hai nước thì dường như không có sự khác biệt, thậm chí trong nhiều lĩnh vực các doanh nghiệp Việt Nam còn hiệu quả hơn. Như vậy, giá bán phải như nhau chứ sao lại chênh lệch nhiều đến vậy? Phải chăng, câu trả lời nằm ở chính sách tỷ giá hối đoái. Cả hai nước đều gần như cố định tỷ giá đồng tiền của mình với đồng đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, điều khác biệt là Trung Quốc đã và đang chủ ý giữ giá đồng tiền của họ dưới giá trị thực của nó mà theo các chuyên gia thì con số này có thể từ 30-50%, trong khi ở Việt Nam thì điều ngược lại đang xảy ra.

 

Hiện, 01 USD đổi được 7,0 nhân dân tệ (RMB) hay 22.625 VND (Quy đổi 01 RMB được 3.200 VND). Với tỷ giá này, tính bằng nhân dân tệ thì giá một quả trứng gà Trung Quốc và Việt Nam lần lượt sẽ là 0,43 RMB (1.400/3.200) và 0,56 RMB (1.800/3.200). Với mức giá này rõ ràng Trung Quốc sẽ thoải mái bán trứng gà sang thị trường Việt Nam, trong khi trứng gà Việt Nam khó lòng mà vào được thị trường Trung Quốc. Điều tương tự cũng xảy ra đối với nhiều loại hàng hóa khác.

 

 

18.000 quả trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc bị Hải quan tỉnh Quảng Ninh thu giữ

 

Hơn nữa, điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc để giá trị đồng RMB của họ đúng giá trị so với đồng USD? Giả sử, giá trị đồng RMB sẽ cao hơn 30% so với con số hiện tại, khi đó, 01 USD chỉ đổi được khoảng 5,35 RMB nhưng vẫn đổi được 22.625 VND. Tính ra 01 RMB sẽ đổi được 4.228 VND (22.625/5,35). Giá thành một quả trứng gà Trung Quốc tính ra tiền Việt sẽ lên đến 1.800 VND (0,43x4.228), tương đương với giá thành sản xuất ở Việt Nam. 

         

Tuy vậy, các nhà sản xuất trong nước vẫn có lợi thế hơn vì hàng Trung Quốc vẫn bị mang tiếng là kém chất lượng (ví dụ, nếu tính tỷ giá sòng phẳng thì một chiếc xe gắn máy Trung Quốc có chất lượng khá, có giá bán bằng một chiếc xe gắn máy của Honda lắp ráp tại Việt Nam. Nếu giá bằng nhau thì hiển nhiên người tiêu dùng sẽ chọn “Honda Việt Nam” rồi. Tương tự, nếu tính bằng đồng RMB thì giá thành một quả trứng gà Trung Quốc vẫn là 0,43 RMB, trong khi giá thành trứng gà Việt Nam cũng xấp xỉ con số này. Lúc này trứng gà Việt Nam sẽ có cơ hội vào thị trường Trung Quốc.

 

Từ những phân tích trên cho thấy lý do tại sao hàng hóa Việt Nam khó vào thị trường Trung Quốc, trong khi hàng Trung Quốc cứ ào ào chảy sang Việt Nam bằng cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch, làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên khoảng 14 -15 tỷ USD, gấp hơn hai lần tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Như vậy, nếu sự chênh lệch giá cả quá mức không được giải quyết thì rất khó có được thành công như mong đợi trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như mục tiêu giảm thâm hụt với Trung Quốc nói riêng, thâm hụt thương mại tổng thể nói chung. Cứ cho là có những giải pháp khác có thể cải thiện phần nào, nhưng xem ra cũng khó có doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thông thường lại có thể cạnh tranh với đối thủ có mức giá thấp hơn đến vài ba chục phần trăm (khi mà giá cả vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng).

 

Bản chất của việc giữ đồng tiền có giá trị thấp giống như chính sách vừa trợ cấp cho hàng xuất khẩu, vừa đánh thuế hàng nhập khẩu nên tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, việc giữ giá đồng tiền cao giống như chính sách vừa đánh thuế hàng xuất khẩu, vừa hỗ trợ hàng nhập khẩu nên tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp bất lợi. Đây chính là lý do tại sao rất nhiều nước liên tục chỉ trích Trung Quốc về chính sách này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khó mà mong đợi Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái, vì họ biết rất rõ lợi ích của mình là gì. Điều mà Việt Nam chỉ có thể làm, tựu lại vẫn là chính sách tỷ giá của mình.

 

Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang