Thứ Sáu, 29/03/2024 16:59:25 GMT+7

Tin đăng lúc 29-06-2018

Lượt xem: 1914

Tận dụng lợi thế từ EVFTA: Dư địa của thị trường EU là rất lớn

Chia sẻ với báo chí về các vấn đề liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh - khẳng định: “Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Vì thị trường hai bên có tính bổ trợ cao nên các doanh nghiệp của Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác hơn là cạnh tranh”.
Tận dụng lợi thế từ EVFTA: Dư địa của thị trường EU là rất lớn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Thưa Bộ trưởng, sau khi kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), hai bên cần triển khai những thủ tục gì tiếp theo? Dự kiến khi nào hiệp định sẽ có hiệu lực?

 

Tại phiên làm việc với Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malstrom vào ngày 25/6/2018, tại Brussels,Vương quốc Bỉ, Việt Nam và EU đã thống nhất toàn bộ quá trình rà soát pháp lý EVFTA, đồng thời thống nhất việc tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi EVFTA thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư - IPA).

 

Trong thời gian tới, phía EU tiếp tục tiến hành dịch FTA sang 24 ngôn ngữ còn ta dịch sang tiếng Việt. Sau đó, EU cần trình hiệp định ra Hội đồng châu Âu (gồm đại diện lãnh đạo các nước EU để phê duyệt trước khi ký). Sau khi hoàn thành thủ tục, hai bên có thể chính thức ký hiệp định.

 

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì hiệp định có thể được ký kết vào cuối năm nay, kịp trình Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào đầu năm 2019.

 

Đối với IPA, quá trình phê chuẩn có thể sẽ lâu hơn vì còn cần tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên vì chúng ta vẫn còn các hiệp định bảo hộ đầu tư đã ký với các thành viên EU.

 

Xin Bộ trưởng cho biết lợi ích kinh tế mà cả phía Việt Nam và EU đạt được khi hiệp định này được ký kết và có hiệu lực là gì? Hiệp định này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa đang xuất hiện chủ nghĩa đơn phương về bảo hộ mậu dịch?

 

Với kết quả đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Cơ chế ưu đãi thuế quan của hiệp định này mang lại lợi ích to lớn cho các ngành hàng của chúng ta, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà ta có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU. Cụ thể là có tới 99% các nhóm ngành hàng sản phẩm của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan và giảm ngay về 0%.

 

Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Nếu FTA không có hiệu lực sớm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thị trường EU.

 

Theo tính toán sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 16%. Điều đó cho thấy dư địa của thị trường EU là rất lớn. Nếu FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 19 tỷ USD, tăng khoảng 4-6%/năm so với không có FTA, con số này sẽ đạt khoảng 75 tỷ USD vào năm 2028. Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng dệt may vào năm 2019 có thể đạt khoảng 1,7 tỷ USD và dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

 

Bên cạnh đó, EVFTA có thể coi là một bước hội nhập thành công lớn đối với Việt Nam bởi hai bên đã thống nhất ngay từ trước khi chính thức đàm phán một nguyên tắc đó là “nguyên tắc bất cân xứng”. Hàm ý là do có sự chênh lệch về trình độ phát triển, Việt Nam sẽ được hưởng những linh hoạt nhất định đối với các cam kết trong EVFTA. Các linh hoạt này có thể là lộ trình tự do hóa dài hơn, có thời gian chuyển đổi đủ dài để chuẩn bị thực thi cam kết, được duy trì những ngoại lệ phù hợp, v.v. Ngoài ra, hai bên cũng đã thống nhất một khuôn khổ hợp tác và xây dựng năng lực để hỗ trợ Việt Nam thực thi hiệp định. Hơn thế nữa, vì thị trường hai bên có tính bổ trợ cao nên các doanh nghiệp của Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác hơn là cạnh tranh.

 

Vậy về đầu tư, Bộ trưởng dự đoán như thế nào về tác động của hiệp định này tới việc thu hút đầu tư trong tương lai và lĩnh vực nào sẽ tiềm năng nhất trong việc thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam?

 

Với quy mô đầu tư lên đến 22 tỷ USD trong thời gian qua, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Chắc chắn các dòng đầu tư lớn sẽ tạo ra sức hút và môi trường có độ thu hút rất lớn trong chuỗi giá trị mới cũng như các mối quan hệ hợp tác mới trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

 

Hiện nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện khí nước, công nghiệp công nghệ cao.

 

Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, do đó, đây dự kiến sẽ vẫn là lĩnh vực ưu tiên của EU. Thực tế hiện nay, đầu tư từ EU đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao tại Việt Nam.

 

Đặc biệt, EU cũng là đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy hai bên còn có khả năng rất lớn trong việc chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như nâng cao năng lực thể chế. Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam đóng góp hình thành một nền tảng hội nhập cần thiết và rất quan trọng. Đồng thời tạo sức mạnh để Việt Nam có thể bình đẳng tham gia hội nhập sâu rộng và có hiệu quả vào thế giới.

 

Bên cạnh các lợi ích rất rõ ràng, đâu sẽ là những thách thức từ EVFTA mà chúng ta đang phải đối mặt, thưa Bộ trưởng?

 

Thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

 

Thứ hai, EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững, v.v. Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của ta. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng của ta.

 

Xin Bộ trưởng cho biết các doanh nghiệp cần chuẩn bị như thế nào để thực hiện hiệu quả và đón nhận lợi ích từ EVFTA? Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ như thế nào dành cho doanh nghiệp về vấn đề này?

 

Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay, trước tiên phải tính đến vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, nhằm tạo nên lực đẩy, thông qua các hoạt động cải cách, như trong quản trị doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, các lĩnh vực dịch vụ, thậm chí trong cơ chế xử lý tranh chấp theo nguyên tắc chung của các tổ chức quốc tế. Quá trình tổ chức tuyên truyền giới thiệu về FTA phải đi đôi với việc tuyên truyền nâng cao năng lực thể chế trong việc thực thi hiệp định. Đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp tham gia cùng các cơ quan chức năng đầu mối của nhà nước trong quá trình tổ chức thực thi hiệp định.

 

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu trong các khung khổ và nội dung lớn cũng như phân tích và tư vấn pháp lý về EVFTA và IPA, bên cạnh đó có những cơ chế cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những điều kiện cụ thể.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng là sự chủ động của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế để đi ra “biển lớn” bằng những phương tiện hiện đại nhưng chúng ta phải làm chủ được các công cụ đó. Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang