Thứ Năm, 28/03/2024 23:38:21 GMT+7

Tin đăng lúc 10-09-2020

Lượt xem: 1368

Tân Hiệp Phát lãi 3.300 tỷ năm 2019, gần bằng Pepsi và Coca-Cola cộng lại

Với 100 đồng doanh thu, Pepsi chỉ lãi 15 đồng, Vinamilk lãi 23 đồng thì Tân Hiệp Phát thu lãi tới 36 đồng.
Tân Hiệp Phát lãi 3.300 tỷ năm 2019, gần bằng Pepsi và Coca-Cola cộng lại

Sau một thời gian cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát đóng chai Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gồm 3 doanh nghiệp FDI là Suntory Pepsi, Coca-Cola, URC cùng 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Masan.

 

Với cơ cấu đồ uống đa dạng từ nước giải khát có ga, trà xanh, nước tăng lực, nước tinh khiết… Suntory Pepsi đang có quy mô doanh thu vượt trội, đạt hơn 18.300 tỷ đồng năm 2019 – tăng 2.300 tỷ so với năm trước và bỏ xa 2 doanh nghiệp tiếp theo là Coca-Cola (9.300 tỷ) và Tân Hiệp Phát (9.200 tỷ).

 

Giai đoạn 2014-2017, với tác động của "sự cố con ruồi", doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát chững lại quanh mốc 7.000 tỷ đồng/năm dù có thêm nhà máy mới Number One Hà Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2018 và duy trì trong năm 2019 khi có thêm nhà máy Number One Chu Lai đóng góp gần 1.400 tỷ doanh thu.


Ở vị trí thứ 4, đại diện đến từ Philippines cũng bám đuổi quyết liệt với hơn 7.000 tỷ đồng. Chưa có thống kê chính thức nhưng vị trí thứ 5 nhiều khả năng thuộc về Masan Consumer. Doanh thu mảng đồ uống năm 2019 của Masan Consumer đạt gần 5.600 tỷ đồng, trong đó có 3.500 tỷ đến đồ uống đóng chai (nước tinh khoáng, nước tăng lực…) và phần còn lại đến từ cà phê hòa tan, ngũ cốc.

 

Các doanh nghiệp đồ uống lớn khác nhìn chung có quy mô nhỏ hơn khá nhiều như La Vie (thuộc Nestle) với 3.000 tỷ, Kirin Interfood đạt 1.600 tỷ, Red Bull đạt 1.000 tỷ…

 

Trong khi Suntory Pepsi vượt trội với doanh thu bằng cả Tân Hiệp Phát và Coca-Coca cộng lại thì điều bất ngờ là lợi nhuận của Tân Hiệp Phát lại gần bằng Suntory Pepsi và Coca-Cola cộng lại.

 

Tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm Tân Hiệp Phát đạt 3.300 tỷ đồng trong khi tổng lợi nhuận của 2 ông lớn FDI là 3.700 tỷ đồng. Xét về lợi nhuận sau thuế, khoảng cách còn chưa đến 200 tỷ đồng.

 

Kết quả trên tương ứng tỷ suất sinh lợi vào loại tốt nhất trong ngành: với 100 đồng doanh thu, Pepsi, Coca-Cola hay URC chỉ thu về 11-15 đồng lợi nhuận thì Tân Hiệp Phát thu về tới 36 đồng – chỉ xếp sau Red Bull với 49 đồng; Vinamilk với vị thế thống lĩnh ngành sữa cũng chỉ thu về 23 đồng.

 

Lợi nhuận của tổ hợp Tân Hiệp Phát vẫn tăng đều đặn qua các năm nhưng năm 2019 đã tăng vọt 65% từ 2.000 tỷ lên 3.300 tỷ do 2 yếu tố là (1) giá vốn hàng bán – có thể là giá nguyên liệu đầu vào – giảm mạnh và (2) đóng góp từ nhà máy mới Number One Chu Lai.

 

Năm 2018 khi bắt đầu hoạt động, Number One Chu Lai vẫn lỗ 41 nhưng sang năm sau đã đạt gần 1.400 tỷ doanh thu và 489 tỷ lợi nhuận. Bên cạnh đó lợi nhuận của riêng công ty Tân Hiệp Phát cũng tăng vọt từ 1.200 tỷ lên gần 1.950 tỷ đồng.


Truyền thống "lãi bao nhiêu rút ra bấy nhiêu" và tham vọng hàng chục nghìn tỷ với mảng bất động sản

 

Với 2.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhân với mức P/E khoảng 20 lần (tương đương với P/E hiện tại của Vinamilk) thì định giá của Tân Hiệp Phát rơi vào khoảng 56.000 tỷ đồng ~ 2,4 tỷ USD. Ông Trần Quí Thanh và gia đình – những người đang sở hữu 100% hệ thống Tân Hiệp Phát – là cái tên sáng giá nhất gia nhập danh sách tỷ phú đô la.

 

Bên cạnh đó còn phải kể đến hàng chục nghìn tỷ lợi nhuận đã được rút ra để đầu tư vào việc khác. Trong 6 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế của Tân Hiệp Phát, Number One Hà Nam và Number One Chu Lai lên đến 8.700 tỷ đồng và gần như toàn bộ được phân phối lại ngay cho gia đình ông Trần Quí Thanh.

 

Khoản lợi nhuận khổng lồ được rút ra đều đặn từ Tân Hiệp Phát có thể là lý do chính dẫn đến việc ông Trần Quí Thanh và những người liên quan có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

 

Cách đây hơn 1 năm, gia đình ông Thanh gây bất ngờ khi thành lập cùng một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Song song với đó, gia đình doanh nhân này cũng được cho là đã âm thầm mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa. Ông Thành từng chia sẽ nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực BĐS theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ "nhảy" sang.

 

Trong năm 2020, bà Trần Uyên Phương – con gái ông Thanh – cũng đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1 Group. Thương vụ này được kỳ vọng sẽ tận dụng hệ thống quảng cáo của Yeah1 để thúc đẩy doanh số cho Tân Hiệp Phát.

 

Theo Nhịp sống kinh tế


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang