Thứ Sáu, 29/03/2024 16:04:13 GMT+7

Tin đăng lúc 15-05-2018

Lượt xem: 5850

Tản văn: Bát canh riêu cua Ngoại nấu

Tôi đã trở về sau bao năm xa Ngoại. Miền quê nghèo cát trắng, càng nắng nóng gay gắt hơn vào hè. Cơn gió Lào bất trị vẫn bám riết thổi từng hơi thở khó chịu, nô đùa thoả thích như thể đây là vùng độc quyền của nó vậy.
Tản văn: Bát canh riêu cua Ngoại nấu

Vùng quê không thay đổi nhiều so với ký ức xưa, vẫn là nụ cười của những con người quê chân chất với làn da cháy sạm theo thời gian. Vẫn cánh đồng trước nhà thổi rì rào theo gió. Tất cả ký ức còn đây, nhưng Ngoại đã trở về miền xa thắm. Mảnh đất nghèo đã nuôi tôi lớn với những món ăn dân dã vẫn còn mang hình dáng Ngoại. Buổi trưa hè nắng nóng, làm tôi lại bồi hồi nhớ bát canh riêu cua Ngoại nấu ngày xưa.

 

Quê tôi, sinh sống bằng nghề nông, do vậy cánh đồng như là tài sản vô giá khi không chỉ dùng canh tác mà còn nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng thực phẩm cho con người. Ngoài cá, ốc…, cua đồng (ở quê gọi là Dam) là một trong những nguồn thức ăn quý giá vì nó là thứ người ta dễ kiếm mỗi khi đi làm đồng về. Không hẹn mà lại giống nhau, canh riêu cua trở thành món ăn quen thuộc của người nhà quê vào những dịp trời chuyển sang hè nóng nực.

 

 Cua đồng - nguyên liệu chính của bát canh riêu cua

 

Tôi thích canh riêu cua Ngoại nấu vì đơn giản bát canh ấy có mùi vị đặc biệt và cách chế biến phong phú của Ngoại. Tôi cũng không được nhanh tay như Ngoại, đụng vào con cua nào là bị cắp ngay. Ngoại làm một cách chuyên nghiệp, khéo léo tỷ mỷ bóc bỏ mai, yếm, để ráo nước, khêu lấy gạch để riêng rồi cho vào cối giã thật nhuyễn. Cua giã xong cho một chén nước lạnh vào bóp lọc bỏ bã. Lọc khoảng vài lần khi hết thịt cua là được. Bã cua còn lại được dùng để cho gà. Còn nhớ, tôi đã từng chê tay Ngoại bẩn nên nước cua mới có màu đen nâu như màu đất nhưng rồi sau mới biết bao nhiêu tinh túy của cua nằm ở cái nồi nước màu nâu ấy. Sau đó đặt nồi lên bếp, đun nhỏ lửa, để thịt cua kết tủa lại thành miếng. Khi thấy những tảng thịt bắt đầu nổi lên thì dùng đũa khuấy nhẹ tay để cua không đọng lại dưới đáy. Quả thật, để có một nồi canh riêu cua không dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian. Nhìn Ngoại làm như một đầu bếp tài ba thực sự.

 

Tuổi thơ quá nhỏ để tôi vô tư đặt câu hỏi “Ngày nào cũng thấy Ngoại nấu canh riêu cua?” và tôi cũng không nhận thấy nỗi buốn bất chợt trong mắt Ngoại, bởi tôi đâu hiểu được rằng đó là thứ dễ kiếm và không phải mất tiền mua của người nhà quê. Nhưng cũng từ đó món canh riêu cua có sự thay đổi. Cũng cua đồng nhưng có khi Ngoại nấu với rau mồng tơi, rau lang, khi thì quả mướp, cà chua hay có lúc ngoại nấu với khế xanh đã vắt bỏ bớt nước… Có lẽ vậy, với tôi bát canh Ngoại nấu đều chứa nhiều bất ngờ và thú vị. Mặc dù toàn đồ dân dã nhưng mỗi bát canh đều mang một mùi vị khác lạ. Vì ngoài vị đặc trưng của cua đồng còn là mát ngọt của rau mồng tơi, dịu ngọt của mướp hay chua nhẹ của khế xanh. Một mùi vị thật lạ thấm đậm hồn quê, thấm đẫm tình thương của Ngoại.

 

Cuộc sống ngày càng phát triển, tôi không phải suốt ngày ăn bát canh riêu cua như ngày xưa nữa. Nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, lấp đất đầy những thửa ruộng, nên để kiếm một bữa cua đồng cũng thật vô cùng khó khăn. Mỗi lần được ăn canh riêu cua, ký ức xưa lại ùa về và thèm được ăn bát canh cua Ngoại nấu. Dù bát canh ở quán có ngon, đẹp mắt hơn bát canh của Ngoại thì nó vẫn thiếu vắng vị gì đó. Có lẽ đó là vị của tình thương, là hơi ấm của bà đã sâu đậm trong tuổi thơ tôi…!

 

                                                                                                    Hoàng  Nhung

 

 

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang