Thứ Tư, 24/04/2024 16:05:10 GMT+7

Tin đăng lúc 05-02-2015

Lượt xem: 5214

Tản văn: Chợ làng và người làng đi chợ

Khi nền kinh tế tiểu nông phát triển, các cộng đồng dân cư đông lên, lối sống tự cấp tự túc khép kín trong làng không đáp ứng được nữa. Các làng nghề thủ công đua nhau mở ra, mang tính chuyên nghiệp và ngày càng tinh xảo. Chợ ra đời. Ngay kinh thành Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ. Kẻ: từ cổ có nghĩa là người. Thành đi đôi với thị. Thành là căn cứ phòng thủ. Thị là chợ, nơi mua bán, lưu thông hàng hóa. Có cầu tất có cung. Tất cả đời sống thiết yếu của con người đều tìm thấy ở chợ.
Tản văn: Chợ làng và người làng đi chợ
Chợ quê xưa (Tranh minh họa)

Tuy nhiên, nông vi bản. Người nông dân làm ruộng vẫn là chính. Sản phẩm nông nghiệp được mua bán vẫn là chủ yếu.

 

Làng tôi ruộng ít người đông. Những buổi nông nhàn cả làng chạy chợ. Thuở tóc để trái đào, tôi được bà, được mẹ, được chị cho đi chợ trông gánh, rồi thế nào cũng được ăn quà. Mùa hè bún riêu cua. Mùa đông bánh dầy cháo thịt.

 

Nhất cận thị, nhị cận giang. Được mùa buôn vải buôn vóc. Mất mùa buôn thóc buôn gạo. Đặc sản vùng miền nào thoát được ra chợ? Mùa hè cá sông. Mùa đông cá ao. Chim ngói mùa thu. Chim cu mùa hè. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi. Trăm người bán vạn người mua.

 

Làng Bưởi Cuốc làm nông cụ cày, bừa, cuốc, thuổng, liềm hái. Làng Bưởi Nồi làm mâm, nồi, đỉnh thờ, mâm bồng, bát hương đồng vàng chóe. Làng Bát Tràng làm lộc bình, chậu hoa, bát đĩa. Làng Vó đúc khóa đuôi chuột, khóa quả chuông, sau này còn đúc cả vành bánh xe đạp bằng xác máy bay Mỹ, tốt hơn cả của nhà máy bán trong mậu dịch. Làng Đạo Sử (Thứa) chẻ nan tre rồi vặn thừng vặn chão, đan võng đay. Làng Tỏi, sát bến Ngăm, tiện thuyền bè chở cói từ vùng nước lợ gần biển lên, mua sợi cói về đan dó, đan bị (các loại túi xách tay), dệt các loại chiếu. Tốt nhất là chiếu đậu. Những sợi cói bánh tẻ, vàng ngà, sợi đều tăm tắp dùng để đan chiếu đậu bán cho khách sẵn tiền, kĩ tính. Chiếu đậu loại tốt nhất không bao giờ in hoa mà để mộc mới đẹp. Ngoài ra còn chiếu gon, chiếu dạm, chiếu buồm. Loại cói già, xấu, hơi đen người ta đập cho dập bẹp rồi đan các sợi chéo nhau để cho trẻ em nằm đạp không bị xô rách. Gọi là chiếu buồm vì đan khổ lớn, khâu hai tấm làm một để làm cánh buồm chạy đò dọc. Mùa đông nhà nghèo, nhất là người chăn vịt đồng, còn khoét giữa chiếu buồm, chui đầu vào, gập đôi, mặc chắn gió rất ấm. Tản Đà làm thơ về Ngưu Lang – Chức Nữ có câu: Rể trời đâu cả đến anh áo buồm. Ngưu Lang chăn trâu mặc thứ áo buồm ấy.

 

Làng Phù Đổng có nghề rèn từ thời ông Gióng cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt, đội mũ sắt, mặc áo giáp sắt ra trận đánh giặc Ân. Đồ sắt ấy do người làng Gióng sáng tạo ra. Các ông phó rào ở Phù Đổng phiên nào chả sang chợ làng tôi, gánh hai ống bễ to như cột nhà để phì phò thổi than hồng, rồi lỉnh kỉnh những đe, búa, than, kẹp sắt. Má hàng thịt, đít thợ rèn là câu tục ngữ tả dấu vết nghề nghiệp. Hàng thịt má dính mỡ bóng nhẫy. Thợ rào ngồi quai búa bên thúng than nên đen nhẻm.

 

Làng Đồng Tỉnh – Huê Cầu từ Văn Giang vào nhuộm các màu rực rỡ cho hàng tơ, lụa, sồi, đũi: khăn nhiễu tím, yếm đào, bao xanh, thắt lưng hoa lí, áo dài nâu tứ thân và khăn mỏ quạ, váy lĩnh, váy sồi đen của phụ nữ. Thợ nhuộm vãn chợ còn vào trọ làng tôi để ngày dưng đi nhuộm rong. Nhà nghèo, quần áo cũ của anh chị mặc chật nhưng vẫn còn dùng được, đem nhuộm lại làm mới để các em mặc cho đỡ tốn phí.

 

Làng Nghĩa Trai sao tẩm các loại thuốc nam thuốc bắc, làm long nhãn và tách hạt sen lấy xuyên tâm liên. Chợ Bần trên giời dưới tương ngọt ngon nức tiếng. Nem Báng (Đình Bảng) và tương Bần từ xưa đã như hai vế trắc bằng của đôi câu đối. Mí đồ đồ thịt chó chấm tương, trẻ con hay hát câu đồng dao ấy khi thấy người lớn đốt rơm thui mộc tồn. Thổ Hà, Phù Lãng làm tiểu sành, chum, vò, vại, chĩnh và cả nồi niêu đất. Nồi đất to và mỏng để hầm cám lợn bằng trấu và rơm. Nồi trung bình dùng gánh nước và giấm giá đỗ. Niêu đất, vợ chồng son, ít miệng ăn để nấu cơm, hầm cá. Ra đường ra dáng ông nhiêu/Về nhà móng tay mỏ sẻ cạy niêu đã mòn. Niêu đất bây giờ quý hiếm, chỉ dành cho các đại gia và Việt kiều ôn nghèo nhớ khổ, thưởng thức cơm niêu cá bống ở khách sạn 5 sao. Làng Ngăm (liền lũy tre làng tôi) dệt sồi, dệt đũi, đan nón lợp lá gồi, lá cọ. Áo tơi lá ích dụng cực kì. Mùa hè ra đồng mặc thì mát, không cháy lưng thợ cấy hay cào cỏ lúa. Mùa đông lại ấm. Mưa to cũng không ướt người. Đã rẻ lại bền. Áo tơi lá trùm kín người, có bà, có chị trời không mưa, không nắng, không rét mà hễ ra đường là mặc. Vì sao thế? Ấy là các bà các chị xấu hổ đấy. Ngày xưa tảo hôn lấy chồng có con sớm. Ra đường thiếp hãy còn son/Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng. Nhiều người tự hào cho là phúc đức lắm: Bốn mươi có cháu/Sáu mươi có chắt. Khổ nỗi, có con dâu rồi, ông vẫn quấy quả bà, còn bà thì đang hồi xuân nên có cảnh cháu bú bà. Đã vỡ kế hoạch có thằng Cố, thằng Vượt lại còn cái Thêm, cái Muộn nữa. Có bà thông gia hỏi kháy: Bà chị tháng nào ở cữ để em đến chơi với cháu? Vừa tức vừa buồn cười chết được. Để khỏi rách việc vì thiên hạ hay nhiễu sự, hễ ra đường là khoác áo tơi lá, đội nón cụp, đố ai biết ai. Nghề khâu lợp áo tơi đa năng thế nên rất chạy hàng.

 

Làng Đại Mão chỉ cách làng tôi con đê sông Đuống, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải khổ hẹp, sau còn dệt cả màn. Đồng nát thì về Cầu Nôm. Làng Nôm mua gom đồng nát về tái chế. Làng Hồ làm tranh in giấy điệp và làm vàng mã. Làng Ngụ lọc bột cát căn để làm bánh cao cấp. Làng Đìa làm bỏng đàng, bỏng bộp, kẹo lạc, kẹo vừng, mứt gừng, mứt bí. Làng Gủ làm quạt giấy, quạt thóc. Làng Đông Côi đan thúng, mủng, nong, nia, giần, sàng. Làng Xuân Lai uốn tre trúc làm ống xì đồng bắn chim bắn cá, làm mâm cật nứa gắn sơn ta, vẽ vân tản, quang dầu bóng lọng. Nếu bây giờ còn làm mâm nữa thì ai dám chuốc, dám thửa vì có lẽ giá thành đắt gấp ba, bốn lần mâm đồng, mâm nhôm. Nhưng Xuân Lai lại có thêm nghề mới là làm mành trúc, in tranh Đông Hồ tứ bình, tứ quý. Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/ Chị cũng xinh mà em cũng xinh (thơ Hồ Xuân Hương Vịnh tranh Tố Nữ). Người Xuân Lai rất tinh mắt, khéo tay, chọn trúc đóng giường, đóng trường kỉ, ghép hoa văn, hun khói, đẹp như tác phẩm mĩ thuật cao cấp và cao giá, sang trọng lắm.

 

Làng Lam Cầu làm đồ thờ, chạm khắc hoành phi câu đối, cuốn thư, làm các loại tráp hộp chữ nhật, sơn then đựng chè thuốc của các cụ ông, hộp tròn sơn son thếp vàng đựng trầu của các bà các chị.

 

Cả vùng Kinh Bắc xưa, chỉ có chợ Giầu (Phù Lưu) bán trâu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thực là khó thay. Tậu trâu khó số một. Phiền hà lắm. Nhà ai cần, phải nhờ lão nông tri điền dạn dày kinh nghiệm. Mua trâu phải bới lông tìm vết, xem kỹ có quý tướng không. Đó là Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít…Lại phải Đùi trường, ức rộng, háng to/Cổ cò, mũi nhỏ (nếu mũi to hay thở dốc là trâu yếu), đuôi thò nụ thông (nếu đuôi dài, cày đồng chiêm hay ruộng nước, chỉ tổ vẩy bùn vào mặt tá điền, lắm lúc tức chỉ muốn dao bầu thớt nghiến!). Dưới trên bốn khoáy mượt lông/Tiền cao hậu thấp, vai vồng vừa khỏe vừa nhanh. Tậu được trâu vừa ý, mềm giá, chủ và thợ vào quán cầy tơ bảy món rồi hể hả rong ruổi ra về, thỉnh thoảng phải dừng lại mỏi mồm trả lời cho khách đi đường hiếu kỳ bình phẩm.

 

Chợ Nành (Ninh Hiệp), cả làng buôn thuốc bắc, mới đến cổng đã thơm nức mùi thuốc, nhiều thầy lang bắt mạch kê đơn nổi tiếng. Ngày nay, chợ Nành còn trên giời dưới vải, đủ các loại từ quý hiếm đến bình dân.

 

Ảnh minh họa

 

Xứ Bắc quê tôi còn một chợ đặc biệt nữa là chợ Sơn (Tiên Du). Chỉ có chợ này bán lợn sữa (sơ sinh). Có nhà, lợn nái đẻ nhiều con quá, sợ không đủ sữa bú sẽ còi cọc nên bán vợi. Lại có nhà, lợn đẻ cùng lứa nhưng ít con, phải mua bổ sung, ghép đàn. Mua và bán lợn sữa phải nhanh chóng mà về dù vẫn phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Chẳng may nó chết dọc đường thì mất cả vốn lẫn lãi lại còn phải tội với thần thánh theo quan niệm tâm linh, rất sái.

 

Làng tôi xa ga tàu, bến cảng nên phải xuống chợ ga Cẩm Giàng hơn mười cây số để đón tàu Hải Phòng cất các loại hàng hải sản, nhất là muối bể. Phải năm đói kém, hay chiến tranh, giao thông tắc, đến hạt muối cũng quý như vàng, phải ăn dè, khổ lắm.

 

Đi chợ xa trên dưới 20 cây số một lượt phải nắm 2 nắm cơm to với gói muối vừng cho hai bữa dọc đường. Bà con rủ nhau đi từ nửa đêm. Đường trường gánh vã, chồng con liệu giờ mà mang quang gánh đi đón đường để sẻ bớt không thì oải lắm. Có những kẻ đi về buôn bán/Đòn gánh tre chín rạn hai vai (Nguyễn Du: Văn tế thập loại chúng sinh). Gớm, được như bây giờ ô tô, xe máy, nháy điện thoại di động, cái gì cũng có, phục vụ thượng đế tận nhà, kể cả chân dài mắt xanh mỏ đỏ!

 

Làng tôi tuy không có nghề thủ công nào nổi tiếng, ngoài các bà bán quà vặt, nhưng lại có chợ to nhất bờ nam sông Đuống. Hàng chục cái cầu (quán), cột đá to đùng, các vì kèo và xà lim xẻ hộp vuông lợp ngói vững chãi, bốn mặt để trống cho thoáng, phân lô định dẫy hàng dọc hàng ngang, tùy sản phẩm mà bày bán. Tại sao chợ to? Vì các làng có nhiều đặc sản và đồ thủ công mĩ nghệ đều châu tuần quanh vùng không xa lắm. Dân cư lại đông, xóm làng trù mật, sức mua cũng dồi dào đồng tiền bát gạo. Còn một lý do nữa, tế nhị, khó nói lắm. Ấy là làng tôi xa huyện lỵ. Gần lửa rát mặt, cận quan tàn dân. Tây Đoan (bắt rượu lậu) và bọn nha lại, cai lệ đầu trâu mặt ngựa cũng ngại về quấy nhiễu, ăn quà quịt (phiên sau tôi sẽ trả tiền nhưng phiên sau, rồi phiên sau nữa mất hút!) Lại còn hay ghẹo gái! Cậu cai buông áo em ra/Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa…

 

Chợ Chằm một tháng sáu phiên/Muốn đi chơi chợ mà tiên có khồng. Ấy là nói vui. Chợ họp ngày 4, ngày 9, 14, 18, 24, 28. Có phiên mồng chín nhưng lại không có phiên 19, 29. Tại sao thế? Bà tôi bảo đấy là phiên mồng 4 để sắm tết Đoan Ngọ, ngày mai mồng 5 tháng 5. Phiên mồng chín để ngày mai tết mồng mười tháng mười. Phiên 14 để ngày mai tết Vu Lan, báo hiếu ông bà, cha mẹ hoặc ngày mai rằm tháng tám tết Trung Thu cho con trẻ đi sắm đồ chơi và bánh trái, hoa quả làm cỗ trông giăng. Làng tranh Đông Hồ mang xuống chợ la liệt những tiến sĩ Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe (thơ Nguyễn Khuyến), phỗng, kỳ lân, sư tử bằng giấy bồi, đèn ông sao, đèn kéo quân Voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh. Có năm tháng chạp thiếu, sắm tết phiên 28 là vừa.

 

Phi thương bất hoạt. Chợ là nơi tôn vinh những bàn tay vàng của người thợ thủ công, cái tần tảo của nhà nông tứ thời bát tiết gom góp lại. Chợ cũng là nơi bao nhiêu cái khôn ngoan, tài đảm, tháo vát các bà các chị thể hiện mình. Mẹ có lí dạy con. Bà có cớ khuyên cháu. Trai khôn kén vợ chợ đông là thế. Dẫu rằng có lúc buôn dưa lê: Đi chợ thì hay ăn quà/Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm, chị em lại đấm vào lưng nhau cười ngất. Dù con người có lên đến Mặt Trăng hay sao Hỏa, bao nhiêu siêu thị hiện đại mọc lên thì cái tiện lợi của chợ làng và người làng đi chợ có lẽ còn sức hấp dẫn dài lâu cùng lịch sử và văn hóa. Mặc dù bây giờ ở đâu cũng có chợ cóc, họp sáng, họp chiều, họp cả đêm, nhưng chợ phiên, chợ chính vẫn còn nhiều lí do để tồn tại. Có điều, ngay chợ Tết bây giờ cũng không đông như ngày xưa, chợ Tết là chợ chen. Phiên hăm tám tháng chạp làng tôi đông như nêm cối. Thượng vàng hạ cám, người bán, người mua tìm đến đây. Vui lắm và cũng tốn tiền lắm là phiên chợ Tết.

                                                                  

                                                                                  Nguyễn Văn Chương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang