Thứ Năm, 25/04/2024 22:53:06 GMT+7

Tin đăng lúc 16-06-2018

Lượt xem: 4134

Tản văn: Mùa lạc về

Năm giờ sáng, tiếng người xôn xao ngoài ngõ. Tiếng phàn nàn giá lạc năm nay. Tiếng hỏi han nhau khi nào thu hoạch? Bao năm xa quê, điềm nhiên vô tình nó đã quên thứ âm thanh này thì phải. Như Chí Phèo sau cơn tỉnh rượu nghe thứ âm thanh quen thuộc của cuộc sống. Bao bồi hồi cảm xúc ùa về, chợt reo trong lòng mình: À, mùa lạc đến rồi đó!
Tản văn: Mùa lạc về
 À, mùa lạc đến rồi đó!

Nhẹ nhàng đón bình minh, không khí buổi sáng thật trong lành. Một cảm giác khoan khoái, dễ chịu đến lạ. Vài cơn gió nhẹ, lượn quanh người đùa nghịch thổi tung những ngọn tóc mái bay bay. Bố ngạc nhiên hôm nay thấy cậu bé dậy sớm mà không cần đánh thức và cái mặt tươi tỉnh chứ không phải phụng phịu như thường ngày. Mẹ đang nhổ lạc trước nhà. Có lẽ đây là lý do gây nên sự ồn ào lúc nãy. Không còn màu xanh đầy sức sống, chen vào đó là những chiếc lá đã tàn tạ hay đẫm màu xanh sẫm, thân lạc bắt đầu lấm chấm màu vàng đầy mệt nhọc. Chúng không còn đứng vững mà trải mình nằm ngổn ngang trên mặt đất. Sau bao tháng “chinh chiến”, có lẽ giờ tất cả đều mong ngóng chờ đợi đến lượt được thu hoạch.

 

 

Trời nắng, cái nắng chang chang đầu tháng sáu đủ gay gắt thiêu đốt gì đó, đủ hong thơm những hạt lúa đựng đầy bồ, đủ rơm khô nhuộm lên mình màu vàng óng ả rải khắp đường làng và quá đủ để cho người dân xóm nghèo miền Trung này cháy sạm theo cơn gió ngoại (Lào). Quen với gian khổ, quen với gió Lào, quen với chảo lửa này rồi nên người ta cũng không cằn nhằn, khó chịu với nắng nữa. Tiếng đập lạc xoành xoạch từ những nhà bên cạnh dấy lên như một bản đồng ca vào Mùa lạc. Mùi lạc tươi hăng hắc xông lên cả mũi, không được thơm nồng như mùi lúa chín mà mang một mùi vị đặc trưng khó tả. Mùa lạc trên quê nó bao giờ cũng vậy, tất bật không kém mùa gặt. Mặc mồ hôi mẹ, mồ hôi con thi nhau rơi, nó hòa mình cùng không khí rộn ràng của mùa lạc.

 

- Lạc nhiều cũ không cháu?

 

Tiếng bà đi ngang đường hỏi, làm nó giật mình ngẩng đầu. Mẹ nhanh miệng trả lời thay:

  

- Cũ ít hơn năm ngoái bà ạ!

 

Tiếng bà cụ phàn nàn gì đó về mùa lạc năm nay. Có lẽ là do nắng quá, cây chết sớm trong khi cũ chưa chắc lắm. Người nhà quê hay vậy đó. Dễ đồng cảm, dễ sẻ chia và chân thành. Vậy mà đã có lúc nó từng mơ ước giá như được ở thị xã hay thành phố thì tốt biết mấy. Nó sẽ thấy được không khí năng động của cuộc sống xung quanh, hay ké được đoạn đường cao áp công cộng không mất tiền. Nhưng giờ nó đã hiểu, thành phố có nhiều thứ tiền chưa hẳn mua được. Người nhà quê không giàu nhưng vào Mùa lạc này, đến nhà ai chắc hẳn cũng sẽ được mời ăn lạc luộc với nước chè xanh ấm đượm tình người.

 

 

Tháng sáu chông chênh mưa và nắng. Vào Mùa lạc, nắng cháy da cháy thịt là vậy nhưng mưa cũng xối xả lắm và lúc ấy, trên cánh đồng lại xuất hiện những “cái nấm ly ty” đi mót lạc. Đây cũng là việc làm thêm của bọn trẻ khi hè về. Nếu chịu khó chúng cũng kiếm được ít tiền đỡ đần bố mẹ vào năm học mới. Sau cơn mưa, một cậu bé con cười giòn tươi, nhặt nhạnh những củ lạc còn sót đang phơi trần trên mặt đất. Nó chạnh lòng làm phép thử so sánh với những đứa trẻ đã gặp ở thành thị. Một cái gì đó xót xa, quê mình vẫn còn nghèo lắm!

 

Tự nhiên dòng ký ức xao xuyến, bồi hồi đưa nó sống lại với Truyện ngắn Mùa Lạc của Nguyễn Khải với bao ý nghĩa nhân sinh. Trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy... Mùa lạc nơi đây cũng tất bật rộn ràng không kém nơi nông trường ấy. Nhưng Mùa lạc này còn mang theo nỗi niềm, trông ngóng của những đứa con xa quê không về phụ giúp được cha mẹ vào mùa thu hoạch. Những dòng chia sẻ lại day dứt thêm lòng người: “Trời nắng ngồi trong nhà cũng thấy mệt, còn cha mẹ giờ này đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vất vả trên cánh đồng đến là thương...”.

 

Một Mùa lạc mới lại về đong đầy thêm hy vọng, no ấm của bao mái nhà tranh. Người nhà quê cả năm chỉ trông chờ vào Mùa lạc để trang trải chi tiêu trong cuộc sống. Hy vọng năm nay lạc được giá, trọn vẹn bao nụ cười em thơ.  

                                                                                                      Hoàng Nhung


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang