Thứ Tư, 24/04/2024 15:25:50 GMT+7

Tin đăng lúc 30-05-2018

Lượt xem: 4443

Tản văn: Ngày mùa

Không phải ai cũng thương mến cái mùi thơm của gốc rạ, cọng rơm. Không phải ai cũng dễ gần gũi với những con người mộc mạc, đen đúa ấy… nên mỗi dịp vào ngày mùa, trong mình luôn rạo rực, chộn rộn theo công việc xung quanh của làng quê.
Tản văn: Ngày mùa

Ngày mùa, nắng rang mình cả không gian, vậy mà mọi người vẫn đội nắng tất bật ngoài đồng ruộng. Nề hà gì nắng nóng, bởi ai cũng lo sợ lúa chín gặt không kịp, lạc chưa kịp thu hoạch đã nảy mầm. Nghỉ ngơi vốn là điều xa xỉ, bao bộn bề chồng chất, lo toan còn nặng trĩu ngoài đồng cả. Niềm vui ngày mùa của những người quê là lúa về đầy sân, gạo đầy nhà, con cái ấm bụng vậy là được mùa lắm rồi.

 

Ngày mùa vẫn thấy bọn trẻ theo cha mẹ ra đồng. Đứa lớn giúp mẹ, đứa nhỏ tự chơi. Có đứa buồn ngủ, ngủ luôn dưới gốc cây bóng mát. Cũng không ai phàn nàn, trách móc bọn trẻ, đúng hơn là người lớn không còn thời gian trông coi nữa. Mặc chúng dang nắng chạy rong ngoài đường hay ù mình vào đống rơm vàng xót xáy, nên khác nhiều với bọn trẻ thành phố, trẻ con nhà quê đều lớn lên với tuổi thơ như vậy: Chân trần chạy đất, thỏa thích đùa giỡn nắng gió miền quê. Ấy mà như trời thương bọn trẻ da đen rám nắng nhưng đứa nào cũng mập mạp, khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật gì.

 

Ngày mùa vẫn thường gặp những bữa cơm vội trên đồng. Để tiết kiệm thời gian cho những ngày thu hoạch ở xa, ăn uống tại ruộng luôn được mọi người lựa chọn. Một bao bì nhỏ trải ra làm mâm. Cũng không phải cầu kì, bữa cơm mang theo được mẹ chuẩn bị nhanh gọn từ sáng sớm. Có khi cơm nắm với một ít thức ăn, hay chỉ đơn giản bữa cơm với nồi canh chua và bát cà muối. Câu chuyện góp nhặt trong bữa ăn vẫn xung quanh đến ngày mùa: Năm nay mưa nhiều nên lạc chắc củ lắm! Xóm dưới năm nay được mùa lúa hơn rồi... Ăn xong, nghỉ ngơi một chút, mọi người tiếp tục trở lại với công việc mùa màng đang dang dở.

 

Chiều xuống, nắng bắt đầu dịu nhẹ. Đâu đó tiếng ve ran gọi mờ mịt xa xăm, nắng yếu dần, trời man mác gió. Vậy mà vẫn bắt gặp những bác nông dân ống xăn, ống thả với cái cày hay gánh lúa trong tan tầm chiều muộn. Mồ hôi ướt nhẫn cả áo. Gặp nhau cũng chỉ chào hỏi dăm ba câu để về còn tất tả theo số lúa chưa được hong khô, với số lạc chưa được tuốt. Ai cũng bận, nên chẳng nán lại chuyện trò được lâu. Chỉ có chú trâu vờ như chẳng để ý gì tới chuyện ngoài xa mà ngoe nguẩy đuôi lim dim mắt ngủ.

 

Bức tranh ngày mùa cứ thế sống động cả thảy tâm trí người nhìn. Lúc này ngoài đường đã thấy rơm vàng phủ lên những ngõ, những chiếc xe bò chở rơm kín mít dọc đường như những ụ rơm di động. Đi sâu vào thôn xóm, đã nghe tiếng ồn ào của máy tuốt. Tiếng người nói, trò chuyện, hỏi han.... cả làng đều tất bật. Kỳ lạ thật, thứ âm thanh tưởng như rất hỗn độn ấy mà sao chẳng khó chịu chút nào.

 

Ngày mùa lòng lại nao nao theo những dòng chia sẻ của đứa con đi xa không về giúp cha mẹ được, “Lúa càng trĩu thì lưng cha mẹ càng còng, hạt gạo càng trắng, tóc cha mẹ lại càng khét mùi nắng cháy”. Nắng như thiêu như đốt nhưng đó cũng là tháng của những cơn mưa không cần báo trước. Làm mùa khổ đủ đường, nắng nóng đã đành còn gặp cơn mưa khi lúa chưa vào bồ, lạc chưa phơi khén cũng hết khổ. Tuy vậy cái nắng, cái mưa của đất trời chưa bao giờ làm vơi đi nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ mà hiền lành của những người nông dân.

 

Đôi lần mải miết với những suy nghĩ thiển cận và cỏn con về những chuyện của ngày mai và ngày sau nữa. Cũng có nhiều lúc gặp những muộn phiền, áp lực trong công việc. Ấy mà ngồi ngắm những con người nhà nông vào mùa, hòa mình vào sự vất vả, nghe những chia sẻ mộc mạc, chân tình trong cuộc trò chuyện của họ. Tự nhiên mọi mệt mỏi, lo toan tan biến, quên luôn cả sự bon chen, đố kỵ ngoài kia để yêu luôn cuộc sống bình dị nơi đây.

                                                                                  

                Hoàng Nhung

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang