Thứ Sáu, 29/03/2024 07:27:58 GMT+7

Tin đăng lúc 15-03-2023

Lượt xem: 276

Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhằm đẩy lùi nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, góp phần vào việc phát triển một thị trường lành mạnh, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các tổ chức cá nhân, DN, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2022/TT-BTC, điều chỉnh tại Khoản 2, Điều 91 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo đó, Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, quy định chi tiết khoản 2 Điều 91 Nghị định 98 về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, giấy tờ có giá, vật và tài sản khác có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nộp vào ngân sách nhà nước.

 

Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 2, Nghị định 98 bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, giấy tờ có giá, vật và tài sản khác có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nộp vào ngân sách nhà nước.

 

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điểm e, Khoản 3, Điều 4 Nghị định 98 và Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP là vật, tiền, giấy tờ có giá, hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Thông tư cũng quy định, số lợi bất hợp pháp có được bằng tiền là toàn bộ số tiền tổ chức, cá nhân thu được từ hành vi VPHC và được tính bằng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng, tiêu thụ hàng hóa, cung cấp dịch vụ vi phạm sau khi đã trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa, dịch vụ.

 

Căn cứ để xác định số tiền tổ chức, cá nhân vi phạm có được do thực hiện hành vi VPHC bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ đã chuyển nhượng, tiêu thụ nhân (x) với đơn giá hàng hóa, dịch vụ trừ (-) chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ. Lưu ý: Chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa hoặc dịch vụ được trừ khi tổ chức, cá nhân vi phạm có đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó.

 

Số lợi bất hợp pháp là vật, tài sản khác mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính là các tài sản khác theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

 

Vật quy định tại Khoản 1, Điều này được xác định theo quy định tại Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 114 Bộ Luật Dân sự.

 

Tài sản khác quy định tại Khoản 1, Điều này được xác định theo quy định tại Điều 105, Điều 107, Điều 109 và Điều 115 Bộ Luật Dân sự.

 

Trường hợp vật, tài sản khác không phải hàng cấm, hàng giả, hàng hóa nhập lậu đã được chuyển nhượng, tiêu thụ, hoặc tiêu hủy thì số lợi bất hợp pháp được xác định bằng số tiền tương đương giá trị thị trường của tài sản cùng loại, hoặc xác định theo giá trị sổ sách của tài sản (nếu không có giá trị thị trường), hoặc xác định bằng giá trị tiền của tài sản ghi trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (nếu là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) của tổ chức, cá nhân vi phạm sau khi trừ chi phí trực tiếp cấu thành hàng hóa căn cứ vào hồ sơ, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ của các chi phí đó.

 

Đối với vật, tài sản khác là hàng cấm, hàng giả, hàng hóa nhập lậu đã được chuyển nhượng, tiêu thụ thì số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng số tiền mà tổ chức, cá nhân nhận được khi thực hiện chuyển nhượng…

 

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp lại số tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

 

Các hình thức xử phạt trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm quy định tại Nghị định 98 gồm: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 - 24 tháng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 - 24 tháng. Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

 

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

 

Thông tư 65 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Thông tư số 149/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.

 

Công Vinh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang