Thứ Sáu, 29/03/2024 02:49:30 GMT+7

Tin đăng lúc 27-03-2015

Lượt xem: 5115

Tăng cường công tác bình ổn giá

Trước tình hình giá xăng dầu, điện tăng sẽ dẫn đến việc tác động đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ trên thị trường, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3315/ BTC – QLG về việc tăng cường quản lý giá và bình ổn giá.
Tăng cường công tác bình ổn giá
Ảnh minh họa

CPI tháng 3 tăng

 

Trong 2 tháng đầu năm nay, mặc dù là thời gian Tết Nguyên đán nhưng giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2015 chỉ tăng nhẹ 0,34% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,25% so với tháng 12/2014 và 0,05% so với tháng 1. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây, CPI tháng 2 giảm so với tháng trước (chủ yếu là do giá xăng dầu giảm vào ngày 21/1 làm chỉ số nhóm giao thông giảm 4,41%). Như vậy, bình quân  CPI hai tháng đầu năm 2015  tăng  0,64% so với cùng kỳ năm trước.

 

Tuy nhiên, trong tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho điều chỉnh giá điện tăng bình quân 7,5%; liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng công bố tăng giá xăng dầu khoảng 4,7 - 10% theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sự điều chỉnh này đã gây những tác động nhất định đến chi phí sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa, dịch vụ.

 

Thống kê mới nhất của Cục Thống kê Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM): chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015  tăng, sau 4 tháng liên tục giảm.

 

Cụ thể, CPI Hà Nội tháng 3 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 0,74% là lực đẩy quan trọng khiến CPI tăng trở lại, tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá; may mặc và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình...

 

Tương tự, CPI tháng 3 của TP HCM tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong rổ hàng hóa tính CPI, có 4/11 nhóm hàng hóa tăng giá, như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc và giày dép; nhà ở điện nước chất đốt… CPI của 2 thành phố lớn nhất nước cùng tăng sẽ tác động tới CPI cả nước trong tháng này.

 

Tăng cường công tác bình ổn giá

 

Ngay từ ngày 16/3, Bộ Tài chính đã có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương về việc tăng cừơng công tác quản lý giá và bình ổn giá trên thị trường.

 

Theo đó, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ban ngành chức năng liên quan như Công Thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan... phối hợp triển khai thực hiện các công tác.

 

Cụ thể, các Sở ban ngành phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải… Từ đó, kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng điện, nhiên liệu xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu đến giá bán sản phẩm.

 

Các Sở ban ngành cũng cần giám sát chặt chẽ việc kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; Rà soát định mức và đơn giá các yếu tố hình thành giá; Đánh giá tình hình thị trường và tác động của tăng giá điện, xăng dầu đến giá thành và giá bán sản phẩm đầu ra. Đối với các trường hợp kê khai tăng giá bất hợp lý không do tác động trực tiếp hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, phải lập tức dừng thay đổi. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao.

 

Ngoài ra, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trước hết là đối với những mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas…; Xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá đối với mặt hàng không chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu và các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường khác theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn và quy định của pháp luật có liên quan.

 

Về việc tăng giá bán điện, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đây là lộ trình đã được dự báo trước của cơ quan quản lý giá. Từ ngày 1/8/2013 đến nay, giá điện đã giữ ổn định, mặc dù trong hơn một năm qua, các thông số cơ bản đầu vào đã biến động, tăng tới 12,8%, nhưng các cơ quan thẩm quyền chấp nhận mức tăng 7,5% là thấp nhất trong các phương án và đã tính đến tác động CPI. Phương án tăng 7,5% phù hợp mặt bằng thị trường, có tính toán sự thay đổi các yếu tố đầu vào.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang