Thứ Sáu, 29/03/2024 21:46:05 GMT+7

Tin đăng lúc 27-02-2018

Lượt xem: 1845

Tăng cường trao đổi thông tin giữa tham tán và DN xuất khẩu

Ngày 26/2 tại TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tham tán thương mại năm 2018 khu vực phía nam.
Tăng cường trao đổi thông tin giữa tham tán và DN xuất khẩu

Các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đánh giá cao những nỗ lực của các tham tán trong năm 2017. Theo đó, nhiều thông tin từ các thương vụ đã hỗ trợ rất tốt, giúp cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Qua đó, đưa kim ngạch thương mại 2017 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 425 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD.

 

Cần thông tin thị trường kịp thời cho DN

 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ tăng 16,3% so với năm 2016. Thị trường xuất khẩu của các DN của Thành phố ngày càng đa dạng, đến nay có tới 76 thị trường.

 

Năm 2017, các DN Cần Thơ nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan tham tán với những thông tin rất hữu ích cho DN trong xuất khẩu, hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại hiệu quả. Qua đó, nhiều DN Cần Thơ ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới, cũng như nhiều hợp đồng ghi nhớ hợp tác.

 

Ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng, những thông tin khẩn về nhu cầu thị trường trong từng thời điểm cũng sẽ là cơ hội cho DN tận dụng để thâm nhập thị trường. Do đó, trong thời gian tới, mong các tham tán chia sẻ kịp thời những thông tin “nóng”, khẩn về nhu cầu thị trường tại các nước cho các Sở Công Thương để từ đó phổ biến kịp thời tới DN nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu.

 

Là một trong những địa phương có hoạt động xuất khẩu lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, năm 2018, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết sẽ có hiệu lực. Do đó, DN rất cần nắm bắt rõ thông tin về ưu đãi thuế quan, phương thức thanh toán, tập quán tiêu dùng tại nước sở tại... Bên cạnh đó, DN cũng rất cần thêm thông tin về các thị trường ngách có tiềm năng, như thị trường châu Phi, châu Mỹ.

 

Chính vì vậy, trong năm 2018 và thời gian tới, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với các tham tán thương mại và chuyên gia tổ chức các hội thảo, hội nghị cho các cán bộ ngành công thương, DN tìm hiểu kỹ về các thị trường xuất khẩu trọng điểm, những ưu đãi về C/O để có thể tận dụng một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các tham tán tăng cường giúp DN thẩm tra năng lực của các nhà nhập khẩu; đồng thời, tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại với từng nhóm hàng, ngành hàng trọng điểm như nông sản, điện tử...

 

Theo các tham tán thương mại, điểm yếu của các DN Việt Nam là hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là hàng thô, hầu như không có thương hiệu; một số hàng hóa vẫn còn vi phạm an toàn thực phẩm. Để có thể thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính, DN Việt Nam cần nâng cao chất lượng hàng hóa, phát triển thương hiệu. Liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

 

DN cần có chính sách xây dựng thương hiệu, cung cấp sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, thâm nhập thị trường một cách thận trọng, tiếp cận thị trường từng bước phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

 

Các tham tán cũng đặc biệt lưu ý, hiện nay, lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, nếu có nghi ngờ trong giao dịch, nhất là thương mại điện tử, DN cần liên hệ ngay với thương vụ ở nước ngoài để xác minh thông tin.

 

Tạo liên kết chặt chẽ giữa tham tán và các địa phương

 

Đánh giá về việc hỗ trợ các DN xuất khẩu, bên cạnh những mặt đạt được, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, vẫn còn những hạn chế nhất định trong trao đổi thông tin từ 2 phía. Theo đó, một số thương vụ cung cấp thông tin thị trường còn chung chung, chưa cụ thể, ở chiều ngược lại, các địa phương, DN cung cấp thông tin năng lực sản xuất các ngành hàng địa phương còn hạn chế.

 

Ông Linh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các DN xuất khẩu khai thác tốt thị trường trọng điểm, đẩy mạnh khai thác thị trường mới tiềm năng, đồng thời, đặc biệt lưu ý thị trường mà Việt Nam đang có thâm hụt lớn để có biện pháp đề xuất nhằm giảm chênh lệch cán cân thương mại.

 

Về phía các thương vụ cần nghiên cứu thị trường gắn với các mặt hàng, nhất là các mặt hàng đặc sản, thế mạnh của các địa phương; cung cấp đầy đủ các thông tin tiêu chuẩn hàng hóa, nhu cầu từ thị trường nước sở tại cho các địa phương, DN Việt Nam nắm rõ để có sự chuẩn bị nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu từ nước xuất khẩu.

 

Đề nghị các địa phương, Sở Công Thương, các hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, tham thán thương mại các nước để cung cấp thông tin 2 chiều một cách hiệu quả nhất, qua đó hỗ trợ tối đa cho các DN xuất khẩu.

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang