Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:02:44 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2017

Lượt xem: 4932

Tăng kiểm soát kinh doanh thuốc

Không chỉ những loại thuốc thông thường mà các thuốc đặc trị, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ cũng bị làm giả. Trong khi đó, việc xác định thuốc giả, kém chất lượng rất khó khăn, không thể nhận biết bằng mắt thường.
Tăng kiểm soát kinh doanh thuốc
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc

Thuốc giả - nỗi lo thật

 

Thông tin tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 21/9, ông Phạm Minh Tuấn - Phó trưởng phòng Phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa (Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) - cho hay, từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thu giữ 41.520 viên, vỉ và 150 kg thuốc tân dược; 48.236 kg thuốc bảo vệ thực vật. Riêng năm 2016, đã thu giữ 186.102 viên, vỉ; 6.634 hộp và 364 kg thuốc tân dược… bị làm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, tỷ lệ thuốc giả được phát hiện liên tục tăng qua từng năm và có diễn biến phức tạp, gây hoang mang cho người dân. Điển hình như vụ việc sản xuất và buôn bán thuốc giả VN Pharma mới bị cơ quan chức năng phát hiện gần đây. Việc sử dụng thuốc giả không chỉ không mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh mà còn là nguyên nhân khiến các giải pháp điều trị bệnh bị vô hiệu hóa, kèm theo đó là những nguy cơ kháng thuốc, ngộ độc thuốc, thậm chí làm người bệnh tử vong.

 

Phối hợp kiểm soát 

 

Tuy nhiên, để phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn là sự thách đố không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn cả các cơ quan chức năng. Theo Cục Quản lý thị trường, việc xác định thuốc tân dược, dược phẩm, thuốc kém chất lượng không thể nhận biết bằng mắt thường mà phải thông qua lấy mẫu kiểm định với chi phí giám định rất cao. Trong khi đó, kinh phí hoạt động, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường còn eo hẹp. Ngoài ra, các đơn vị không có kho lưu trữ riêng, bảo đảm quy chuẩn, nếu để quá lâu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người… trong khi việc tiêu hủy cũng cần lượng kinh phí lớn.

 

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, kỹ thuật in ấn, làm giả mẫu mã bao bì ngày càng tinh vi, nếu chỉ nhìn bề ngoài, ngay cả người trong ngành y cũng khó phân biệt thuốc thật, thuốc giả. Bên cạnh đó, không phải ai cũng nắm được thông tin về các loại thuốc bị cơ quan chức năng phát hiện, đình chỉ, thu hồi, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì thế người bệnh sử dụng thuốc có lệnh cấm lưu hành là không nhỏ.

 

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, tránh tình trạng thuốc giả trở thành nỗi lo thật và tiến tới một môi trường lành mạnh trong kinh doanh dược phẩm và tân dược, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng như ngành y tế, công an, quản lý thị trường,... phải có sự phối hợp đồng bộ, kiên quyết hơn nữa trong phòng, chống, ngăn chặn nạn sản xuất và buôn bán thuốc giả bằng các biện pháp cụ thể, như: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hoạt động kinh doanh thuốc; thông tin tới người dân những cửa hàng và sản phẩm thuốc không đạt tiêu chuẩn... Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. 

 

Những sai phạm trong buôn bán, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng bị phát hiện, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, đủ sức răn đe bằng việc truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bắt bồi thường về thiệt hại cho người tiêu dùng.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang