Thứ Năm, 25/04/2024 14:34:03 GMT+7

Tin đăng lúc 18-01-2018

Lượt xem: 5121

Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ- CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng 2020 đã đạt được kết quả khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục trong thời gian tới.
Tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh
Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng thông thoáng

Cụ thể, đến hết năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 19 của 20 bộ, ngành và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức khá đầy đủ về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Nghị quyết. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn báo cáo chung chung, chủ yếu nêu thành tích; giải pháp triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ- CP còn mang tính hình thức.

 

Về tổ chức thực hiện, các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng… đã tích cực triển khai và đạt được kết quả rõ ràng. Ngoài ra, một số địa phương có báo cáo khá chi tiết, cụ thể như Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, trong cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 83/NQ- CP ngày 31/8/2017 và Nghị quyết 98/NQ- CP ngày 3/10/2017, giao các bộ “rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh hiện hành”, nhưng hiện mới chỉ có 5 bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, còn lại 10 bộ, ngành chưa có thông tin về nội dung này. Qua đó cho thấy, các bộ, ngành vẫn còn lúng túng trong việc phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm hàng hóa.

 

Đối với hoạt động quản lý chuyên ngành, đến nay, các bộ đã nắm rõ yêu cầu cải cách và một số Bộ: Công Thương, Y tế, Xây dựng đã có hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ này, nhờ vậy đã tạo ra một số chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Thời gian kiểm tra chuyên ngành cũng đã được rút ngắn, tiết kiệm cho doanh nghiệp thời gian và chi phí.

 

Đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, sau 4 năm (2014 - 2017) thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Năm 2017, năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60 lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái, mức tăng bậc cao nhất trong thập niên qua; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127…

 

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn thiếu tính bền vững và cách xa so với các quốc gia trong khu vực. Công tác kiểm tra chuyên ngành đạt được những tiến bộ, song còn chậm, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn còn lớn, thời gian kiểm tra kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018, tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang