Thứ Sáu, 29/03/2024 19:09:04 GMT+7

Tin đăng lúc 01-10-2018

Lượt xem: 1752

Tạo chuỗi giá trị khép kín xuất khẩu gia cầm

Xuất khẩu gia cầm đang có tín hiệu lạc quan, khi sản phẩm trứng bắt đầu bước chân vào những thị trường khó tính. Điều quan trọng vẫn là các doanh nghiệp Việt trong ngành chăn nuôi gia cầm cần tạo được chuỗi giá trị khép kín để đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu.
Tạo chuỗi giá trị khép kín xuất khẩu gia cầm
Xuất khẩu trứng mang lại tín hiệu lạc quan cho chăn nuôi gia cầm

Tuần qua, lần đầu tiên một doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã xuất khẩu (XK) một container trứng vịt muối (288.000 quả) sang thị trường được đánh giá là khó tính như Australia.

 

Nhiều DN trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm tỏ ra quan tâm đến sự kiện này khi việc XK trứng gia cầm không phải chuyện đơn giản với nhiều điều kiện ngặt nghèo. Nhưng bù lại, giá bán khi XK sẽ có mức tốt hơn so với giá bán tại thị trường trong nước.

 

Tín hiệu lạc quan

 

Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm) là DN vừa XK trứng vịt muối sang Australia và đang sẵn sàng để xuất tiếp sang thị trường Singapore.

 

Để đạt yêu cầu XK, trứng muối của công ty được đưa qua máy bóc tách vỏ, hấp tiệt trùng 105 độ C trong 6 phút), sau đó cho vào bao ép chân không rồi đông lạnh trước khi đóng thùng. Lô hàng phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Australia.

 

Trước Vietfarm, hồi cuối tháng 8 năm nay, công ty Bel Gà đã trở thành công ty giống gia cầm đầu tiên ở Việt Nam XK trứng ấp thành công sang thị trường Myanmar với chất lượng thành phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là một DN thuần Việt.

 

Để có thể XK được trứng ấp, công ty Bel Gà đã phải đầu tư các trại gà bố mẹ và nhà máy ấp trứng đạt chứng nhận GlobalGAP IFA, tiêu chuẩn phiên bản 5.1 lần đầu tiên tại Việt Nam.

 

Trang trại của công ty được đặt tại tỉnh Lâm Đồng với 3 trại gà giống và một nhà máy ấp trứng ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại, kết hợp với mật độ nuôi thấp, đảm bảo an toàn sinh học ở mức độ cao, tránh các rủi ro về bệnh dịch.

 

Có thể thấy, để XK thành công, những DN kể trên đã tạo dựng được chuỗi giá trị khép kín để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ nhà nhập khẩu hoặc trong một chuỗi cung ứng.

 

Một trường hợp khác là trang trại nuôi gà (đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn GlobalGAP) của Tập đoàn Hùng Nhơn Group (một DN thuần Việt ở tỉnh Bình Phước), đã liên kết thành chuỗi giá trị sản xuất bằng việc hợp tác với các đối tác như công ty De Heus (Hà Lan) để cung cấp thức ăn, công ty Bel Gà (Bỉ) để bán con giống và với công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) để thu mua, giết mổ và XK thịt gà sang Nhật.

 

Giới chuyên gia đánh giá đây là một chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của Liên minh châu Âu (EU) và đáp ứng được thị trường khó tính như Nhật Bản. Nhờ cách làm trên mà hồi tháng 9 năm ngoái, hơn 300 tấn thịt gà từ chuỗi liên kết này đã XK được sang Nhật.

 

Đúc kết từ thành công này là việc nhạy bén đầu tư trong chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi gia cầm đơn thuần sang đầu tư chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín thông qua liên kết của nhiều đơn vị trong và ngoài nước và được kiểm soát bằng tiêu chuẩn EU.


Phải rõ "đường đi" trong chuỗi

 

Ở góc độ địa phương, tỉnh Đồng Nai được đánh giá là đã và đang hình thành được nhiều chuỗi sản phẩm về thịt gà, trứng khép kín từ giống, thức ăn chăn nuôi, thu mua sản phẩm, như: công ty C.P Việt Nam, công ty TNHH MTV Bình Minh, công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, CTCP Chăn nuôi Phú Sơn…

 

Tuy nhiên, để tạo dựng một chuỗi giá trị khép kín cho những trang trại chăn nuôi, hay các DN thuần Việt muốn XK gia cầm thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

Theo bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khi DN Việt chưa chuẩn bị chu đáo cho việc ra thị trường thì nhiều DN nước ngoài rất hăm hở vào Việt Nam.

 

"Cho nên, ngành chăn nuôi, kinh doanh gà đang đứng trước một thách thức rất lớn, cần tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hợp lý. Hiện nay, không có sự trao đổi thông tin giữa người nuôi với các mắt xích tiếp theo ở trong chuỗi gà. Đây là điều quan trọng, vì mình bán cái mình có cho thị trường hay bán cái thị trường cần, không biết thị trường như nào thì làm sao làm được?", bà Thanh chia sẻ.

 

Theo lưu ý của vị chuyên gia này, khi con gà tới nhà giết mổ thì nhà giết mổ phải có biện pháp nào đó ghi chép lại, số lượng ra sao, bị gì… Thông tin này nói lên con gà đó nuôi như thế nào, được bắt ra sao, vận chuyển như nào… để biết nếu có vấn đề thì nằm ở đâu?

 

Như vậy, hệ thống quản lý hay những biện pháp đang áp dụng chưa dựa trên đánh giá, tiếp cận rủi ro. Hệ thống kiểm tra đánh giá theo từng mắt xích luật định hiện có chưa tương thích với các thực hành quốc tế.

 

Trong thực hành quốc tế không phải chỉ kiểm tra sản phẩm ở đầu cuối, mà mang tính chất phòng ngừa, phải kiểm tra từ khâu sản xuất trước khi được đưa ra khỏi trang trại.

 

Điều đáng nói, tính minh bạch trao đổi thông tin trên toàn chuỗi hiện gần như đứt hẳn, không có cách nào biết cụ thể "đường đi" của con gà như thế nào, qua những đâu từ lúc nở ra đến khi lên bàn ăn của người dùng.

 

Theo bà Thanh, đây chính là nguyên nhân khiến thịt gà nội khó cạnh tranh với các loại thịt gà nhập khẩu. Ngay tại thị trường trong nước, thịt gà Việt Nam đã lao đao, liệu khi XK sẽ cạnh tranh thế nào để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính?

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang