Thứ Tư, 24/04/2024 11:37:36 GMT+7

Tin đăng lúc 11-08-2016

Lượt xem: 3441

Tạo cú hích cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí

Trong quá trình CNH – HĐH đất nước, thực tiễn cho thấy tính cấp thiết của việc phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thể chế hóa các chủ trương phát triển CNHT, nhất là CNHT ngành Cơ khí.
Tạo cú hích cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Cơ khí
Sản phẩm cơ khí của Công ty Hoàng Gia Việt

Có thể nói, CNHT được coi là khâu then chốt để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Nó là chìa khóa để giảm tỉ lệ nhập khẩu, khống chế nhập siêu, đảm bảo cán cân thương mại bền vững; bởi CNHT tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển năng lực sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, khoảng 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, bởi cả nước có khoảng trên 300 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng, nhưng phần lớn các linh kiện, phụ tùng đó là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, các chi tiết, linh phụ kiện quan trọng như động cơ, hộp số, cụm chuyển động phải nhập khẩu 100%. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thuộc ngành CNHT mỗi năm của Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD. Con số này đã phần nào phản ánh rõ thực trạng của ngành CNHT ở nước ta.

 

Khảo sát tại một số đơn vị sản xuất trong lĩnh vực CNHT ngành Cơ khí, đa số các đơn vị đều cho rằng, các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực này hầu hết là các DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính kém nên trang thiết bị để đảm bảo chất lượng sản xuất thiếu, dẫn đến năng suất lao động chưa cao, không đáp ứng được tiến độ giao hàng. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các DN Việt Nam còn rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI.

 

Có thể thấy, hiện nay CNHT ngành Cơ khí đang được đầu tư dàn trải và chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành. Nhận thức được điều này, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT ngành Cơ khí và từ những chính sách ưu đãi đó, nhiều DN đã tạo hướng đi mới cho mình để có thể từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhiều DN trong ngành đã tìm đến nhau cùng hợp tác, hình thành mô hình liên kết chuỗi để cùng nhau tạo ra sức mạnh và những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại với giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh cao. Hiện nay mô hình liên kết chuỗi đang được rất nhiều DN áp dụng và đạt được những thành công nhất định.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần đưa ra nhiều giải pháp hơn để hỗ trợ ngành Cơ khí như hỗ trợ về vốn, chính sách thuế đối với trang thiết bị nhập khẩu hay mở rộng điều kiện tham gia đấu thầu đối với các dự án công. Nếu biết kết hợp bên ngoài cộng với các chính sách hỗ trợ bên trong sẽ tạo ra cú hích cho ngành Cơ khí, đây là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu chung là sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

 

Bà Trương Thị Chí Bình – Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp CNHT - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá cao những nỗ lực của các DN cơ khí chế tạo trong thời gian qua, đặc biệt là các DN đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên bà cho rằng, các DN này vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, nhất là khi việc mở rộng thị trường sẽ đưa đến nhiều thách thức rất lớn. Còn rào cản kỹ thuật này là gì thì cần phải lấy ý kiến của các DN trực tiếp sản xuất bởi chính họ mới biết được chính xác từng sản phẩm, từng khu vực cần những hàng rào gì?

 

Rõ ràng, câu chuyện về tiềm năng ngành CNHT không phải là vấn đề mới, nhưng để có thể đẩy mạnh và phát triển ngành CNHT không phải là việc làm đơn giản và cũng không phải là bài toán có thể giải trong đôi ba năm, mà nó cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và cả sự chung tay của chính các DN trong ngành CNHT, đặc biệt là các DN trong ngành CNHT Cơ khí.

 

Từ thực tế trên, với mục tiêu hội nhập sâu rộng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện chính sách ưu đãi trong việc phát triển thị trường; hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ; ưu đãi vốn vay để xây dựng cơ sở sản xuất, hướng tới xuất khẩu; ưu đãi về thuế..., và hiện nay nhiều DN trong ngành cũng đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, để trên cơ sở đó xây dựng dự án đầu tư sản xuất sản phẩm phát triển trong ngành CNHT. Với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của các DN thì ngành CNHT nói chung và CNHT ngành Cơ khí nói riêng sẽ có bước phát triển mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước./.

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang