Thứ Năm, 25/04/2024 11:07:06 GMT+7

Tin đăng lúc 24-01-2020

Lượt xem: 6744

Tạo đà cho kế hoạch 5 năm tới: Liên kết cùng phát triển

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030.
Tạo đà cho kế hoạch 5 năm tới: Liên kết cùng phát triển

Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả".

 

Những vấn đề liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp cũng như tiếp tục tìm các giải pháp mạnh mẽ của các địa phương để khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

 

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi Đất nước ta hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học-công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp...

 

Việc phối hợp chặt chẽ với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quan trọng cũng sẽ được chú trọng. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được thúc đẩy.

 

Năm 2020, Bộ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Để tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, Bộ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt, tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Đối với các trường đại học, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Qua đó, Bộ khuyến cáo các đơn vị quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc trong các trường đại học.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực

 

Căn cứ mức độ biến động giá năm 2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép điều chỉnh một số giá hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn quản lý theo hướng sát hơn với giá thị trường, góp phần phân bổ, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của nền kinh tế.

 

Năm 2019, kết quả Việt Nam đạt được về kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) là khá toàn diện, tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin hơn khi bước vào năm 2020, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm.

 

Bước sang năm 2020, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng; tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; đồng thời tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

 

Kiên quyết điều hành trong phạm vi dự toán để kiểm soát bội chi cả về số tuyệt đối và số tương đối, đảm bảo nợ công dưới giới hạn quy định, tiếp tục cải thiện dư địa chính sách tài khoá. Đề nghị các địa phương chỉ vay trong kế hoạch được giao, phù hợp với khả năng trả nợ, trong giới hạn quy định; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay.

 

Đối với khu vực DNNN, cần thực hiện nhanh việc sắp xếp lại các DNNN, đặc biệt là nhóm các DNNN làm ăn thua lỗ, đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác cồ phần hóa. Đây là công tác quan trọng, ảnh hưởng đến cân đối thu ngân sách trung ương vì chúng ta không còn nguồn thu từ các năm trước.

 

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Ổn định thị trường tiền tệ

 

Năm 2020: Tín dụng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Năm 2019 đã khép lại với thành công của ngành ngân hàng. Điều đầu tiên phải khẳng định, đó là chính sách tiền tệ được NHNN phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân ở mức 2,01%. Qua đó góp phần kiểm soát lạm phát CPI bình quân cả năm của cả nước ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Năm 2019, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018.

 

Mở đầu một thập kỷ mới, năm 2020 NHNN sẽ tập trung điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

 

Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 2020 sẽ được chúng tôi cân nhắc trong khoảng của năm 2019 (14%), kế hoạch tăng trưởng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay khi mà quy mô tín dụng của Việt Nam đã trên 130% GDP. Đây là mức mà nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam đã khuyến cáo. Thay vì tăng trưởng tín dụng “ồ ạt”, trong đó đẩy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, hay tiêu dùng, tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.

 

Năm 2020, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng đẩy lùi tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản…

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Tập trung điều chỉnh thể chế

 

Năm 2020 có nhiều thuận lợi hơn với ngành giao thông vận tải. Chính phủ tập trung vào khâu điều chỉnh thể chế, xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Bộ kỳ vọng sẽ sớm ban hành một luật hay nghị để tránh sự chồng chéo giữa các luật hay nghị định đã ban hành. Khâu thể chế nếu thực hiện được 6 tháng đầu năm 2020 thì hoạt động của các lĩnh vực trong đó có giao thông thuận lợi hơn bởi các dự án giao thông trình tới, trình lui vì vấp phải nhiều "vòng kim cô" của các luật, nghị định khác.

 

Bộ tập trung công tác xây dựng cơ bản. Đầu năm 2020, Luật về PPP sửa đổi có hiệu lực ban hành, Chính phủ phân cấp cho các Bộ ngành, địa phương. Năm 2020, Bộ đăng ký hơn 35.000 tỷ cho công tác xây dựng cơ bản. Hàng tháng, Bộ sẽ kiểm điểm tiến độ, được quyền điều chỉnh nguồn lực cho những dự án có danh mục tiến độ tốt và ngược lại dự án vướng mặt bằng, thủ tục, các vấn đề khách quan sẽ tự điều chỉnh giảm vốn.

 

Như vậy, công tác điều hành xây dựng cơ bản tin chắc sẽ tạo bước đột phá lớn để làm sao sử dụng hết vốn, thực hiện các công trình nhanh nhất xây dựng cơ bản.

 

Hoạt động vận tải sẽ đi vào nề nếp nhờ hai Nghị định 86 và 46 sửa đổi ban hành trong năm 2020 này. Qua đó, các vi phạm của tài xế, doanh nghiệp sẽ xử lý nghiêm, tránh tình trạng nhũng nhiễu của Thanh tra giao thông, công an. Thông qua xử phạt nguội, dùng công nghệ, công tác đảm bảo an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm.

 

Những dự án trọng điểm quốc gia, Bộ tham mưu, báo cáo Thủ tướng đầu năm 2020 lựa chọn nhà đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thẩm định phê duyệt đầu tư, phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện 2021 khởi công. Dự án cáo tốc Bắc-Nam phía Đông, cố gắng hết quý 1/2020 mở thầu chính thức lựa chọn nhà đầu tư.

 

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM: Thêm nguồn lực tương xứng để phát triển

 

Năm 2019, TP HCM đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đa số các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2018. Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng, ước tăng 8,32%. Tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố đạt 5,55 triệu tỷ đồng, so với quy mô kinh tế cả nước là 23,97%, cao hơn năm 2017 và năm 2016 (23,4%), cao nhất từ trước đến nay.

 

Để phát huy hơn nữa tiềm năng của TP HCM, Thành phố đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP HCM xây dựng "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM". Kiến nghị Chính phủ quan tâm ủng hộ nhằm tạo nên một nguồn lực tương xứng, một động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của TP và các địa phương trong cả nước thông qua việc cho phép TP HCM chủ động thực hiện "Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP cùng các địa phương giai đoạn 2021 - 2025".

 

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Đầu tư hạ tầng giao thông tạo đột phá phát triển kinh tế

 

Để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế và hoàn thành các mục tiêu Chính phủ giao, UBND tỉnh Đồng Nai đã đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ vào đó để thực hiện rốt ráo ngay từ đầu năm. Theo đó, từng sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước phải có kế hoạch, giải pháp để điều hành hiệu quả trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Đồng Nai tiếp tục thu hút dòng vốn FDI có chọn lọc ưu tiên cho những dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ. Ngoài thu hút vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai sẽ thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.

 

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Chú trọng phát triển bền vững

 

Đến cuối năm 2019, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp- dịch vụ -nông nghiệp-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là chiếm tỷ trọng 66,8%; 22,4%; 2,6%; 8,2%.

 

Cùng với đó, để thu hút đầu tư từ năm 2016, Bình Dương đã triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư nằm huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng nguồn vốn từ doanh nghiệp trong nước. Bình Dương cũng tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Hiện Bình Dương có 29 khu công nghiệp với diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích 790 ha (có 9 cụm đã đi vào hoạt động).

 

Ông Nguyễn Dương Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Rà soát năng lực chuyên môn cán bộ

 

Nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữa tam giác phát triển kinh tế năng động Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương xác định mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, năng động.


Thời gian qua, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư trên địa bàn; xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp…đã và đang là những động lực quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp trong tỉnh yên tâm sản xuất kinh doanh. Tới đây, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư, cấp quyền sử dụng đất...

 

Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Kì vọng là "nam châm" hút đầu tư

 

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xem doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế, trên chặng đường kiến thiết, đổi mới phương thức điều hành quản lý. Với năm Canh tý sắp tới, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định tiếp tục tập trung cho công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ hội bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tin tưởng và đồng hành.

 

Từ những hành trình khởi đầu thu hút đầu tư đang mang về những “quả ngọt”. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, với sự hiện diện của những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ và có sức lan tỏa lớn như Khu kinh tế Nghi Sơn với những dự án công nghiệp Lọc hóa dầu, Cảng quốc tế, nhiệt điện…

 

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát triển dịch vụ đô thị thông minh

 

Thừa Thiên Huế xác định động lực tăng trưởng kinh tế phải dựa vào kinh tế tư nhân. Vì vậy, tỉnh đã rất quyết liệt trong việc thực hiện các động thái cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ban ngành, địa phương (DDCI). Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh; hạ tầng giao thông quan trọng; tăng cường cải cách các thủ tục hành chính trong đầu tư- đất đai-xây dựng; Xây dựng chính quyền điện tử...

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang