Thứ Sáu, 26/04/2024 05:33:56 GMT+7

Tin đăng lúc 14-02-2018

Lượt xem: 3174

Tết đến - mùa làm ăn

Theo phong tục, năm mới mọi thứ đều phải mới để đón lộc vào nhà, như vậy tất cả thành viên trong gia đình mới gặp được nhiều điều may mắn trong suốt năm. Vì thế tết đến, ngoài phong tục lì xì mừng tuổi đầu năm thì từ trẻ em đến người già trong gia đình đều phải mặc đẹp, hòa khí trong nhà, ngoài ngõ đều vui vẻ, ăn uống không chỉ no mà còn được thưởng thức nhiều món đặc biệt hơn, hoặc dẫu cho công việc có bận bịu, cũng phải gác lại để nghỉ ngơi, đi chơi, thăm nom họ hàng, bạn bè chòm xóm.
Tết đến - mùa làm ăn
Giỏ quà ngày Tết

Làm cả năm chỉ lo ba ngày tết

 

Tết đến, trẻ con vui bao nhiêu thì lại là nỗi lo lắng của người lớn bấy nhiêu. Để gia đình có một mùa xuân yên vui, đầm ấm, mọi người đều nỗ lực làm việc và tích cóp suốt năm dài vì không ai muốn gia đình có một cái tết đạm bạc. Ngày đầu năm mới, người làm cha mẹ ai cũng muốn con cái mình được mặc tấm áo mới, chân mang đôi dép mới, để chúng không tủi thân, mặc cảm trước bạn bè cùng trang lứa. Với người phụ nữ - người đóng vai trò “giữ lửa” trong gia đình cũng muốn trên bàn nước trong nhà có thêm khay bánh, mứt, đặt cạnh bên ấm trà nóng để mời khách, rồi mâm cơm ngày tết cũng phải tươm tất hơn hẳn ngày thường với những món ăn đặc biệt, được chế biến cầu kỳ hơn để trước là cúng tổ tiên, sau là để con cháu trong nhà xa gần tụ họp về ăn uống trong tiếng cười đùa hân hoan cho cửa, nhà thêm vui.

 

Vào những ngày cuối năm, ngoài việc chuẩn bị những bữa ăn tươm tất cho gia đình, mọi người còn xem tết đến là dịp để bày tỏ tấm lòng hiếu khách, chủ nhà sẽ bày tiệc thết đãi họ hàng, bạn bè gần xa khi ghé chơi nhà. Do đó, lượng lớn thực phẩm sẽ được các bà, các mẹ mua trữ trong nhà đủ để ăn uống trong cả ba ngày tết. Với lối suy nghĩ ấy, vô hình chung mọi người đều phải nỗ lực để có tiền trang trải, sắm sửa tết. Áp lực tiền nong đè nặng lên vai người trụ cột gia đình. Người làm công ăn lương thì quanh năm chăm chỉ làm việc, để mong được thu nhập kha khá vào cuối năm, vì ngoài lương sẽ còn có thêm khoản tiền thưởng tết. Với người làm nông thì ngay từ giữa năm, ai nấy đều ra sức đầu tư thêm cho công việc của mình, chỉ mong có nhiều sản phẩm để bán mùa chợ tết vốn sẽ được giá hơn. Ngay những phụ nữ quanh năm chỉ lo chuyện tề gia nội trợ cũng tranh thủ tăng gia sản xuất với đàn gà, con lợn để gia đình dùng trong những ngày tết đến và làm quà đi tết cha mẹ, ông bà, cúng tổ tiên ngày cuối năm, hoặc nuôi được nhiều thì có thể bán đi kiếm thêm được món tiền sắm sửa phụ cho chi tiêu của gia đình.

 

Chợ tết ai cũng có thể đi buôn

 

Nhu cầu mua sắm cho ngày tết rất nhiều nên chợ tết đông như hội và không khí tết bao trùm rõ nhất là ở các khu chợ tết nông thôn: Nhộn nhịp, người bán kẻ mua tấp nập, quầy hàng nào cũng đầy ắp hàng hóa. Tận dụng cơ hội này, với người sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đều hy vọng vào mùa buôn bán cuối năm, hòng gỡ gạc bớt những tổn thất trong năm. Mấy ngày giáp tết, mọi người có thể mang ra chợ tất cả những gì vườn nhà sẵn có để bán. Bởi vậy, chợ tết còn là nơi có những mặt hàng chỉ thấy được một lần duy nhất trong năm. Những mặt hàng ấy đều do những bà buôn tay ngang góp phần mang đến cho chợ. Hàng hóa của họ mang ra chợ rất đa dạng, từ vài quầy chuối sứ, rổ quả sung xanh, mấy quả đu đủ non, sọt lá chuối tươi, lá dong, vài chục ống lồ ô, vài con gà tơ... chỉ mới nhìn đã thấy thích.

 

Đi buôn chợ tết thường là những dân tay ngang kiếm thêm thu nhập. Còn những người làm ăn chuyên nghiệp, tết lại là dịp tăng doanh thu và là thời điểm làm ăn chính trong năm. Thông thường, tháng cuối năm là mùa bán hàng đắt khách nhất. Tất cả các mặt hàng từ quần áo, giày dép, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ trang trí nhà cửa... đều đắt khách. Cuối năm là dịp để người kinh doanh thu hồi vốn liếng, tích vốn cho năm mới làm ăn. Vì thế, dân buôn chuyên nghiệp luôn tính toán và bỏ vốn, nhanh tay dự trữ hàng hóa từ vài tháng trước tết và thiết kế những chương trình bán hàng hấp dẫn để thu hút thật nhiều khách đến mua...

 

Tấp nập sản xuất để đáp ứng mọi nhu cầu

 

Kể từ sau tết Trung thu, các cơ sở chế biến hàng hóa đã bắt tay vào mùa vụ sản xuất chính của năm. Tùy theo từng mặt hàng mà thời gian tất bật công việc sẽ theo từng thời điểm khác nhau. Những cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng từ giữa năm đã tiến hành thu gom nguyên liệu để phục vụ sản xuất; những cơ sở chế biến mặt hàng đặc sản tết như mứt, hoa quả truyền thống, bánh trái tết... thì tháng giáp tết là thời điểm vào mùa vụ.

 

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng ngày tết, nhiều ngành nghề đã phát triển thành nghề sản xuất truyền thống của địa phương nổi tiếng gần xa như: Vương quốc hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Làng củ kiệu ở Phù Mỹ (Bình Định), Sơn Mỹ (Hàm Tân, Bình Thuận), Trung Giang (Gio Linh, Quảng trị); Làng rau củ tươi sống là Đà Lạt (Lâm Đồng), Bình Dương, Tây Ninh; Trái cây thì không đâu “qua mặt” được Đồng bằng sông Cửu Long; Hoa kiểng (Sa Đéc), hoa cắt cành (Đà Lạt)… Nhu cầu tiêu dùng càng cao thì các làng nghề ấy càng mang lại nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương.

 

Dịch vụ ăn theo tết

 

Những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới còn là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng với người thân. Người Việt Nam luôn trọng lễ nghĩa nên khi đến nhà nhau không nhiều thì ít cũng có chút quà “làm đầu câu chuyện” ngày xuân. Ở nông thôn, đời sống người dân giản dị, chân chất nên những món quà mọi người tết nhau có thể là con gà trống thiến, cân thịt heo, vài cân gạo nếp thơm, túi gạo hay cặp bánh chưng, đòn bánh tét, tất cả đều là “cây nhà lá vườn” để thắt chặt thêm tình thân. Còn tại các đô thị phát triển, lễ tết là những dịp để mọi người nói lời cảm ơn nhau trước những sự giúp đỡ chân thành trong một năm sắp qua. Quà tết của dân cư thành thị đều là hàng chế biến sẵn, từ các loại bánh, mứt, nước giải khát... đến các sản phẩm chế biến từ hải sản.

 

Nhiều năm trở lại đây, dịch vụ cung ứng quà tết ra đời để phục vụ nhu cầu quà tết. Lúc đầu là chính những người bán hàng gói những món hàng trong những chiếc giỏ mây rồi bày bán cho khách. Dần dà thấy giỏ quà biếu tết được ưa chuộng nên nghề kinh doanh cung cấp quà tết đã hình thành. Với dịch vụ cung cấp giỏ quà tết phát triển càng mang lại nhiều sự lựa chọn cho người mua (về hàng hóa, chất lượng dịch vụ, chủng loại quà...).

 

Đến nay, ngoài các loại bánh mứt, quà tết còn có những sản phẩm đặc sản của các địa phương, vùng miền và để tận dụng khai thác tiềm năng này, người trực tiếp sản xuất ở các địa phương đã phát minh và đưa những ý tưởng mới áp dụng vào việc canh tác, cho ra những sản phẩm độc đáo như bưởi hồ lô, dưa hấu vuông, dưa hấu hình thỏi vàng... Sau đó áp dụng kỹ thuật để “ép” các loại trái cây ra nghịch mùa, nhằm khai thác thị trường mua sắm tết có giá trị tốt hơn. Không chỉ vậy, nhiều năm qua đã có không ít dịch vụ mới được hình thành để phục vụ nhu cầu dọn dẹp nhà cửa của người dân thành thị, đã có dịch vụ trang trí nhà cửa; Những người thích chơi hoa nhưng không có thời gian chăm sóc thì có dịch vụ chăm sóc hoa và cho thuê hoa; Các đơn vị cung ứng thực phẩm còn nghĩ ra chiêu cung ứng các món ăn tết truyền thống đặc trưng của vùng miền như giò thủ, nem Huế, thịt kho đông, chả bò, bánh ít lá gai... phục vụ những người không có nhiều thời gian đi chợ, nấu nướng. Ngoài nhu cầu ăn uống, nhu cầu đi chơi xa cũng được các công ty du lịch khai thác với các tour không chỉ đến khắp mọi miền đất nước, mà đến với cả các nước trên thế giới. Có thể nói, “nhất cử nhất động” của “thượng đế” đều được người có đầu óc kinh doanh khai thác biến thành sản phẩm để kiếm tiền.

 

“Làm cả năm, chơi ba ngày tết” là câu mà ông bà xưa nói về không khí sinh hoạt ngày tết của người dân Việt Nam. Bởi vậy, tết đến, dù nhà nghèo hay giàu thì cũng đều tất bật sắm sửa đủ lễ nghĩa cần thiết để gia đình được đón tết trong tươm tất, vui vẻ.

 

Anh Hoàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang