Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:04:59 GMT+7

Tin đăng lúc 14-05-2022

Lượt xem: 657

Thái Bình: Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Thái Bình: Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ông Trần Ngọc Phúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị phổ biến, triển khai Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025...

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn chú trọng đến đầu tư phát triển sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, chủ động khai thác cơ hội và những lợi thế từ hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, từ Hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã tham gia, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp hàng hóa của tỉnh Thái Bình có năng lực cạnh tranh cao và thâm nhập vào các thị trường tốt hơn.

 

Thực hiện Quyết định số 3204/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 của UBND tỉnh Thái Bình về việc giao dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2022, Sở Công Thương giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Thái Bình tổ chức “Hội nghị phổ biến, triển khai Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) cho các tổ chức, cá nhân làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

 

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; lãnh đạo TTKC, Phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, cùng đại diện 260 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

 

Khai mạc hội nghị, bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình khái quát quá trình hoạt động của TTKC tỉnh, trong thời gian qua đã đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến công với mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chương trình bước đầu đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ công nghiệp nông thôn (CNNT) thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn nguyên nhiên, vật liệu sẵn có, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, sự chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa.

 

 

Đông đảo các đại biểu đến tham dự Hội nghị 

 

Qua đó, trên cơ sở Luật quản lý thương mại, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết đinh của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND ngày 09/3/2022 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng dến năm 2030 và Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 04/3/2022 ban hành triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP).

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Phúc – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho rằng: Xuất khẩu hàng hóa là một trong những định hướng chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở khai thác lợi thế của từng địa phương. Để đạt mục tiêu xuất khẩu các loại hàng hóa sản xuất tại địa phương cần phát triển Khu kinh tế thành một trong những trung tâm giao lưu hàng hóa, dịch vụ lớn của vùng Đồng bằng Sông Hồng với cả nước và các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế ven  biển. Việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp đinh thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP, nhằm thúc đẩy hoạt đông xuất khẩu tương xứng với tiềm năng, lợi thế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2025, chiến lược xuất khẩu của Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trên cơ sở đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là hết sức cần thiết, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu mà Nghi quyết  Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình cho biết: UBND tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một đề án mang tính chiến lược rất quan trọng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy phát triển những ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu mới, nhất là những mạt hàng công nghệ cao; khuyến khích phát triển sản phẩm qua chế biến, đưa các sản phẩm có thế mạnh tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

 

Với mục tiêu xuất khẩu hàng hóa với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm; chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô; chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm xuất khẩu. huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo hướng xã hội hóa để phát triển sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng cao.

 

 

Bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị

 

Các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 2.759,9 triệu USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10%/năm; tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GRDP của tỉnh đạt trên 50% đến năm 2025; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 95-96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 2,5%.

 

TS Nguyễn Gia Tín – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh, đã phổ biến tại Hội nghị về “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Ông cho rằng: Người dân, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa từ Đề án này; đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là những mặt hàng có thế mạnh, có sức tiêu thụ ổn định, thị trường đa dạng, có lợi thế cạnh tranh như may mặc, da giày, xơ, sợi, linh kiện, phụ tùng, sản phẩm kim loại, một số mặt hàng nông sản như: Gạo, Nghêu, Rutin hòe…

 

Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác sâu thị trường truyền thống, nhất là thị trường  các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp cần thực hiện các phương pháp tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại, ứng dụng không gian mạng thông qua việc thuê gian hàng của các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới như: Amazon, Alibaba, Ebay… hay tại Việt Nam như: Tiki, Lazada, Spopee, Voso…

 

Qua đó, các doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, củng cố và phát triển các thị trường đã có và tìm kiếm thêm các thị trường, bạn hàng mới, giảm xuất khẩu qua các thị trường trung gian. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện để phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa hiệu quả và bền vững.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang