Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:45:53 GMT+7

Tin đăng lúc 10-09-2015

Lượt xem: 4251

Thách thức lớn chờ doanh nghiệp Việt

Tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) Việt Nam hiện nay khoảng 10%/năm. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Thách thức lớn chờ doanh nghiệp Việt
Ngành công nghiệp điện tử tăng trưởng khoảng 10%/năm

Cơ hội lớn

 

Ngành CNĐT Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn, có chuỗi cung ứng toàn cầu đầu tư như: Samsung, Nokia, LG, Canon… Nhờ đó, những năm gần đây, ngành CNĐT Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng.

 

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch xuất khẩu của ngành CNĐT tăng nhanh chóng trong 4 năm qua: Năm 2011 đạt 6,9 tỷ USD; năm 2012 là 29,5 tỷ USD; năm 2013 là 32,1 tỷ USD và năm 2014 đạt 35 tỷ USD.

 

Các tập đoàn lớn trên thế giới luôn mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhằm giảm nhập khẩu khi đầu tư tại Việt Nam. Điển hình trong số này là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Từ năm 2014 đến nay, Tập đoàn Samsung liên tục tổ chức nhiều cuộc triển lãm sản phẩm CNHT, nhằm giới thiệu sản phẩm CNHT mà tập đoàn có nhu cầu đến với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tìm kiếm nhà đầu tư trong nước.

 

Bà Đỗ Thị Thúy Hương- Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - nhận định: Với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn điện tử toàn cầu, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động, máy in, photocopy lớn nhất trên thế giới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác, sản xuất sản phẩm CNHT trong lĩnh vực điện tử, từ đó trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

 

Sức ép từ doanh nghiệp FDI

 

Bên cạnh những cơ hội, theo các chuyên gia kinh tế, để có được vị trí trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức. Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, thách thức đầu tiên phải kể đến là dù xuất khẩu ngành CNĐT Việt Nam gần đây tăng trưởng mạnh nhưng giá trị gia tăng chưa cao, nguyên liệu phần lớn phải nhập khẩu. Đơn cử như năm 2014, ngành CNĐT Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 32 tỷ USD, nhưng nhập khẩu đã lên tới hơn 28 tỷ USD.

 

Hơn nữa, để trở thành đối tác cung cấp sản phẩm CNHT cho các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ví dụ: Tập đoàn Samsung đầu tư tại Việt Nam, nhưng đi theo Samsung có tới hơn 40 nhà đầu tư Hàn Quốc chuyên sản xuất CNHT. Hầu hết các nhà đầu tư Hàn Quốc đều có thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm sản xuất CNHT, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại non kém trong lĩnh vực này, công nghệ và vốn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là lý do, trong tổng số 60 nhà cung cấp linh kiện cho Samsung có tới 45 nhà cung cấp đến từ Hàn Quốc, 10 nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác và 5 nhà cung cấp của Việt Nam.

 

Rõ ràng, để trở thành đối tác sản xuất CNHT cho các tập đoàn lớn với doanh nghiệp Việt Nam không hề đơn giản. Nếu như không có sự đầu tư, nỗ lực nghiêm túc từ phía doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng thì doanh nghiệp Việt Nam rất khó để trở thành một phần trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp điện tử nhưng chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang