Thứ Sáu, 19/04/2024 17:39:35 GMT+7

Tin đăng lúc 21-07-2018

Lượt xem: 2514

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã đề ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
 Thái Nguyên: 	Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào một số ngành có giá trị gia tăng lớn mà địa phương có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; Công nghiệp công nghệ thông tin; Công nghiệp vật liệu mới; Công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung; Công nghiệp hạ tầng…

 

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực với 12/19 chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra. Trong đó có một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2016 - 2017 đạt 14%, riêng năm 2017 đạt 12,75%, cao gấp hai lần mức bình quân chung của cả nước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng với 55,4%, khu vực dịch vụ chiếm 32% và khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 12,6%; Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, gấp 1,3 lần năm 2015 và cao hơn mức thu nhập bình quân chung của cả nước.

 

Ngoài ra, năm 2017, thu ngân sách đạt trên 12.600 tỷ đồng, vượt 40,3% so với kế hoạch, tăng trên 3.600 tỷ đồng so với năm 2016 và đứng thứ 18 của cả nước. Trong quý I/2018, thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, do môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch nên chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017 đã xếp 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2016. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng đã tăng từ vị trí 57 của năm 2011 lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành trong năm 2017.

 

Đặc biệt, công nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6.116 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt 78.117 tỷ đồng và 129 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD; Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2017 tăng 23,1%. Trong đó, riêng năm 2017 sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 571.000 tỷ đồng, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước; Giá trị xuất khẩu bình quân của giai đoạn 2016 - 2017 tăng 25,2%, năm 2017 đạt 23,563 tỷ USD, chiếm 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước. Quý I/2018, xuất khẩu đạt gần 6 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ.

 

 

 

 

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Thái Nguyên trong phát triển công nghiệp đó là thu hút được Tập đoàn Samsung vào đầu tư.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn có những hạn chế như: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng thấp, nhất là đối với các sản phẩm như xi măng; Các yêu cầu về an sinh xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhu cầu đâu tư cho y tế và giáo dục rất lớn song nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn; Việc giải quyết các vấn đề sự cố môi trường tại một số khu vực khai thác khoáng sản vẫn chưa được xử lý kịp thời…

 

Để khắc phục các hạn chế trên và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân15%/năm; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 9%/năm. Trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 20%/năm trở lên; Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 16%/năm; Thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, tương đương 3.300 USD; Hằng năm, tạo việc làm tăng thêm cho 15.000 lao động, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70%…, Thái Nguyên đã ưu tiên, vạch ra nhiều giải pháp phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.

 

Trước hết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ cho phát triển công nghiệp. Trong đó, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tỉnh đến năm 2030, Thái Nguyên sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; Tạo quỹ đất sạch, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; Phát triển và bố trí ngành nghề vào các khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đúng quy hoạch, đảm bảo hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Hàng năm, rà soát quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, để có phương án điều chỉnh phù hợp; Các xã, phường, thị trấn cần bố trí quỹ đất dành riêng cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

 

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, công nghệ, thông tin, môi trường đầu tư; Ưu tiên kinh phí khuyến công cho hỗ trợ đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghiệp, công nghệ mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở khu vực nông thôn, nhất là tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập ở khu vực nông thôn. Trong đó, tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2030, tập trung vào các nội dung: Nâng cao năng lực quản lý; Đào tạo, truyền và phát triển nghề trong các cơ sở công nghiệp nông thôn; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, thương mại điện tử, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; Liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế; Lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề... bằng các nguồn vốn Trung ương và địa phương.

 

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong kêu gọi đầu tư, duy trì và phát triển sản xuất; Hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới, tiểu thủ công mỹ nghệ và làng nghề, các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Khuyến khích, hỗ trợ đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chuyên ngành đang có nhu cầu phát triển. Cùng với đó, tỉnh thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong các chuyên ngành công nghiệp; Xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo nghề; Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với từng thời kỳ; Đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư để sớm đưa vào sản xuất.

 

Tuấn Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang