Thứ Ba, 23/04/2024 15:48:14 GMT+7

Tin đăng lúc 10-11-2017

Lượt xem: 10035

Thái Nguyên: Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 700 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng với sản lượng trên 750 triệu viên gạch các loại một năm. Trong đó, còn gần 300 lò gạch đất sét nung thủ công được phân bố chủ yếu tại các huyện: Phú Lương, Phú Bình, Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa… Đa phần các cơ sở này vẫn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng gạch không đồng đều, giá thành cao, dẫn tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế.
Thái Nguyên: Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung
Gạch không nung đã được đông đảo khách hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tin dùng.

Đặc biệt, lượng khí thải từ các lò gạch nung là rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

           

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chủ trương khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung từng bước chuyển đổi công nghệ từ sản xuất gây ô nhiễm môi trường sang công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khói bụi, khí CO2. Tuy nhiên, điều khó khăn là hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đều thiếu thông tin về công nghệ, thiếu vốn đầu tư để thay đổi trang thiết bị sản xuất hiện đại.

           

Để tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn, hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã lập kế hoạch hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch cải tiến công nghệ hoặc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó, Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp về vốn đầu tư hệ thống máy móc ban đầu và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về tính hiệu quả của các mô hình lò sản xuất gạch không nung để các cơ sở từng bước tiếp cận, chuyển đổi và ứng dụng thành công. Nổi bật, trong năm 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ trên 153 triệu đồng cho Công ty TNHH Khánh Hưng (xã Trung Lương, huyện Định Hóa) để mua mới một máy ép gạch không nung.

           

Ưu điểm của máy ép gạch không nung là nguồn vốn đầu tư ban đầu không quá lớn. Hơn nữa, nhà xưởng để làm việc cũng rất đơn giản, không đòi hỏi cầu kỳ giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất. Ngoài ra, hệ thống máy móc được thiết kế nhỏ gọn nên việc vận chuyển cũng dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đặc biệt, không như những thiết bị công nghiệp sản xuất gạch khác, mỗi dây chuyền phải có nhiều công nhân thực hiện công việc, với hệ thống máy ép gạch không nung thì mỗi dây chuyền chỉ cần 03 thợ để điều hành và mỗi ca có thể sản xuất được từ 6.000 đến 12.000 viên.

 

So với lò gạch thủ công thì trong quá trình sản xuất, máy ép gạch không sử dụng nguồn nguyên liệu đất sét mà thay vào đó là những vật liệu xỉ than đá, xỉ quặng, bột đá, xi măng, cát… đây đều là những nguyên liệu sẵn có và rất dễ tìm nên không tốn kém về chi phí. Đồng thời, máy ép gạch không nung không dùng nguyên liệu than, củi để đốt nên đã giúp tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, do là thiết bị máy móc hiện đại nên trong quá trình hoạt động, máy có tiếng ồn thấp, ít bụi, khi sản xuất sẽ cho ra những sản phẩm gạch đảm bảo chất lượng, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt, kích thước gạch chuẩn giúp công trình xây dựng đạt cả về chất lượng và giá trị thẩm mỹ.

 

Là một trong những đơn vị được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách khuyến công, ông Nguyễn Văn Khải – Giám đốc Công ty TNHH Khánh Hưng cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường cũng như tính ưu việt, tiềm năng về đầu ra của sản phẩm gạch không nung, Công ty đã mạnh dạn đầu tư gần 750 triệu đồng để xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung, bao gồm các hạng mục: Máy ép gạch không nung, băng chuyền, nhà xưởng, sân kho,… Ban đầu Công ty đã gặp không ít những khó khăn, nhưng được sự quan tâm, ủng hộ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên thì cho đến nay, Khánh Hưng đã có những bước phát triển đầu tiên. Sản phẩm gạch của Khánh Hưng được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh đánh giá là đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng và được đông đảo khách hàng tin dùng. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định như hiện tại, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cho Công ty trên 250 triệu đồng; Đóng góp thuế hàng năm cho nhà nước gần 64 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công ty đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương với mức lương bình quân trên 5,2 triệu đồng/người/tháng, góp phần ổn định xã hội.

 

Có thể khẳng định, thành công của các đề án hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo dựng được niềm tin cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.Thông qua tính hiệu quả của các đề án sẽ là cơ sở để Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên tiếp tục giới thiệu, khuyến khích phát triển lò gạch không nung tại địa phương theo hướng công nghiệp hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gạch không nung phát triển và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch đất sét nung trong thời gian tới.

 

Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang