Thứ Bẩy, 20/04/2024 14:48:22 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2019

Lượt xem: 1305

Thanh Hóa: Làm thế nào để “tiếp sức” phát triển tiểu thủ công nghiệp?

Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, song, Thanh Hóa đang cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận trong việc phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Thanh Hóa: Làm thế nào để “tiếp sức” phát triển tiểu thủ công nghiệp?
Nghề dệt chiếu cói ở Nga Sơn đang tạo ra việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương.

Làng nghề nón lá ở huyện Nông Cống là một ví dụ. Hiện làng nghề này đang tạo ra việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương. Mỗi năm, những thợ thủ công nơi đây có thể tạo ra hơn 2,7 triệu chiếc nón với giá trị khoảng 96 tỷ đồng. Ở Nga Sơn, Công ty CP Chế biến chiếu cói Việt Anh kết thúc năm tài chính 2018 với doanh thu gần 2 triệu USD, tạo hàng trăm việc làm với mức thu nhập bình quân 70-80.000 đồng/người/ngày. Đây có thể coi là minh chứng cho thấy Thanh Hóa đang ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Tuy nhiên việc khôi phục ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và các làng nghề ở Thanh Hóa cũng đang gặp phải những lực cản rất lớn. Nhiều địa phương đang thiếu sự hỗ trợ thiết thực về tư liệu sản xuất như vốn, quỹ đất, mặt bằng kinh doanh. Đầu ra của nhiều sản phẩm cũng lâm vào tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định. Điều đó dẫn đến việc khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra rụt rè, lo ngại, không muốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Còn người lao động thì không nhìn ra triển vọng phát triển bền vững của nghề nên không còn tâm huyết gắn bó.

 

Nhìn rõ những thách thức ấy, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đã đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, “tiếp sức” cho các doanh nghiệp TTCN mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ các cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm TTCN.

 

Ông Lê Trọng Hân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đề nghị, hoạt động khuyến công nên có mức hỗ trợ cao hơn dành cho những doanh nghiệp chế biến tinh xảo, có xuất khẩu để kích thích đầu tư trang thiết bị cao cấp hơn, mở rộng sản xuất, vươn ra thị trường thế giới.

 

Có thể nói, để các làng nghề truyền thống không bị mai một dần, việc khôi phục nghề phải gắn với việc xây dựng giá trị thương hiệu. Du nhập các nghề mới, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tình hình của từng địa phương cũng là một giải pháp được đưa ra triển khai. Hiện tại, huyện Nông Cống đang đi đầu trong việc nhân cấy nghề mới với hơn 20 nghề mới du nhập, tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng gần 3.000 lao động.

 

Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện Thanh Hóa có tới hơn 80.000 lao động tham gia các ngành nghề TTCN. Mức thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực này là 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Phương Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang