Thứ Sáu, 19/04/2024 04:44:36 GMT+7

Tin đăng lúc 30-04-2022

Lượt xem: 1128

Thanh Hoá: Phát huy hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công

Từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh (TTKC) Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp (DN), làng nghề trên địa bàn tỉnh đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thanh Hoá: Phát huy hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công
Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gỗ dân dụng và xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản xuất chế biến Lâm sản Hải Oanh

Trong năm 2021, TTKC Thanh Hoá được giao 1.350 triệu đồng kinh phí từ nguồn Khuyến công Quốc gia. Chương trình khuyến công triển khai cho 4 đề án, bao gồm: Hỗ trợ cho 02 đơn vị đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến lâm sản; Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho 01 đơn vị để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Hỗ trợ dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ cho 01 đơn vị để sản xuất sản phẩm phân bón hữu cơ.

 

Bên cạnh đó, chương trình khuyến công địa phương cũng được triển khai 08 đề án, với tổng kinh phí thực hiện là 1.472 triệu đồng, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 07 đơn vị và hỗ trợ DN tham gia 01 phiên Hội chợ hàng công nghiệp - thương mại tại Hà Nội.

 

Theo đánh giá của các sở, ban ngành, việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại Thanh Hoá đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT). Trong hai năm qua, khi nền kinh tế trong nước và thế giới phải chống chịu với rất nhiều thách thức đến từ đại dịch Covid-19, nguồn kinh phí khuyến công dù còn khiêm tốn nhưng đã giúp các cơ sở CNNT, các DN có thêm tự tin vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.

 

Thông qua việc thực hiện hỗ trợ, nhiều DN, cơ sở CNNT đã tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân đã được hỗ trợ để xây dựng, triển khai thực hiện mô hình sản xuất gỗ ván ép tiêu chuẩn CARB P2 phục vụ thị trường xuất khẩu, với tổng mức đầu từ 12,2 tỷ đồng. Doanh thu của công ty đạt gần 34 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động. Đây chỉ là một trong nhiều mô hình thành công nhờ thụ hưởng nguồn vốn khuyến công thời gian qua.

 

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC Thanh Hoá cho biết: “Theo khảo sát, đánh giá thực tế tại các đơn vị được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, việc triển khai hiệu quả công tác khuyến công tại địa phương đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển của các cơ sở CNNT, tạo động lực giúp cho các cơ sở CNNT thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn, đáp ứng tốt phương châm “ly nông không ly hương”, xóa đói, giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn”.

 

Trong năm 2021, TTKC đã tập trung thực hiện các nội dung, như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến để mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, tạo ra nhiều sản phẩm mới. Các ngành nghề được hỗ trợ kinh phí khuyến công đều gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại địa phương.

 

Năm 2022, ngành Công Thương Thanh Hóa nói chung và TTKC tỉnh Thanh Hóa nói riêng phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch đã đăng ký, với tổng kinh phí khuyến công dự kiến 5.427 triệu đồng, bao gồm các nội dung, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến; Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật: Hỗ trợ tham gia hội chợ trong nước, xây dựng các phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn...

 

 

TTKC Thanh Hoá hỗ trợ phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp  

 

Những tác động tích cực, hiệu quả nhất định trong thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp, CNNT đã thấy rõ, tuy nhiên quá trình hoạt động thực tế của công tác khuyến công trên địa bàn cũng cho thấy còn những khó khăn, hạn chế. Còn nhiều nội dung hoạt động khuyến công chưa triển khai thực hiện do kinh phí cho công tác khuyến công địa phương còn hạn chế; Số lượng cơ sở ngành nghề nông thôn tăng nhanh nhưng phân bố không đồng đều ở các vùng; Thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia.

 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra và phát huy tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát và hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng triển khai các nội dung khuyến công đáp ứng với thực tế của DN, mang lại hiệu quả cao nhất của các chương trình.

 

Từ thực tế triển khai công tác khuyến công tại địa phương, để nâng cao chất lượng hoạt động, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp như: Làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về hoạt động khuyến công; Tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về công tác khuyến công nhằm tạo đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp; Đơn vị phối hợp triển khai đề án khuyến công phải là đơn vị có tiềm lực và khả năng thúc đẩy đề án có hiệu quả đồng thời gắn công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm; Gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các hoạt động của Trung tâm nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời để phát triển sản xuất…

 

Minh Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang