Thứ Năm, 28/03/2024 15:34:07 GMT+7

Tin đăng lúc 21-06-2015

Lượt xem: 4395

Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại.
Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020
Thanh Hóa thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước về du lịch nghỉ dưỡng biển

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa nhanh, từng bước tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế; phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại và đến năm 2030 là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung Bộ.

 

Trên cơ sở đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%; GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8 - 9%/năm. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt lần lượt trên 41% và 50%...

 

Từ những mục tiêu trên, Quyết định nêu ra 3 hướng đột phá đến năm 2020 gồm: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính để thu hút vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động.

 

Đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm công nghiệp lớn đa ngành

 

Quyết định cũng nêu rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2030, về công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp nhất là các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn đa ngành của cả nước; ưu tiên phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xây dựng thông minh và điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; luyện cán thép; cơ khí chế tạo; phân bón, thức ăn chăn nuôi; duy trì ổn định công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu may mặc, giày dép.

 

Về dịch vụ, du lịch, Thanh Hóa tập trung phát triển dịch vụ vận tải, thương mại cửa khẩu, du lịch; phát triển dịch vụ vận tải - kho cảng - logistics gắn với cảng Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong 3 trung tâm cảng biển quốc tế ở khu vực Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ; phát triển thương mại cửa khẩu với vai trò là đầu mối giao thương hội nhập, trung tâm kinh tế, thương mại cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào.

 

Phát triển du lịch Thanh Hóa thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước về du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Từng bước xây dựng cảng Đảo Mê trở thành cảng trung chuyển cho cảng Nghi Sơn; đến năm 2025 xây dựng Đảo Mê thành đảo du lịch gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển...

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang