Thứ Sáu, 29/03/2024 08:03:30 GMT+7

Tin đăng lúc 16-09-2017

Lượt xem: 2553

Thấy gì từ triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản?

Sự kiện triển lãm đã tạo ra nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thấy gì từ triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản?
Nhiều doanh nghiệp Việt khó trở thành nhà cung cấp linh phụ kiên cho các DN nước ngoài. (Ảnh minh họa: KT)

Từ ngày 13 - 15/9, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam - Nhật Bản (NEPCON Vietnam 2017) và Triển lãm CNHT Việt Nam năm 2017 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 thương hiệu hàng đầu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kiện này đã tạo ra nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển CNHT cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, bạn hàng.

 

Doanh nghiệp khó “chen chân” vào khối FDI

 

Thực tế cho thấy, thời gian qua Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất về các lĩnh vực sản xuất trong khu vực ASEAN. Nhiều tập đoàn điện tử, công nghiệp lớn trên thế giới đã xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn nhân lực và gia tăng năng suất sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao ở cả trong và ngoài nước.

 

Tuy nhiên, việc khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI đang khiến nhiều doanh nghiệp CNHT gặp khó khăn.

 

Là 1 doanh nghiệp CNHT chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí và phụ kiện nội thất cho một số tập đoàn FDI và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, ông Đỗ Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Phương đã thừa nhận rằng, doanh nghiệp Việt thực sự khó “chen chân” được vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

 

Bởi lẽ, có một thực trạng chung của các doanh nghiệp CNHT và nhà cung cấp nhỏ ở Việt Nam vấp phải, đó là các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam họ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới về công nghệ, thay đổi về cách quản lý trong sản xuất.

 

“Các doanh nghiệp CNHT, các nhà cung cấp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ nên thua kém rất nhiều về công nghệ. Trong khi không có công nghệ tốt, không có hệ thống quản lý tốt chắc chắn sẽ không có những sản phẩm tốt.. Trong khi các doanh nghiệp FDI họ đòi hỏi phải đảm bảo thời gian ký kết, giao hàng cũng như chất lượng sản phẩm luôn song song với nhau”, ông Hải chia sẻ.

 

Quan tâm đến lĩnh vực CNHT tại Việt Nam, ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ, công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, việc khuyến khích phát triển ngành CNHT được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong khi hiện nay, đang có khoảng 1.600 công ty Nhật Bản đang hoạt động về lĩnh vực này tại Việt Nam.

 

“Mặc dù có gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhưng tỷ lệ linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản đặt mua ở Việt Nam rất thấp. Điều này cho thấy, các giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn rất hạn chế và cũng có một khoảng trống”, ông Jun Yanagi chỉ rõ.

 

Tạo động lực từ các doanh nghiệp nhỏ

 

Ông Jun Yanagi cũng cho biết, hiện nay tại Nhật Bản, các công ty vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% tổng số doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng cường phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ vừa thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, vừa tạo ra động lực kinh doanh và công nghệ mới, mang lại sự tái cấu trúc của các ngành công nghiệp như ở Việt Nam.

 

Chính vì thế, ông Jun Yanagi mong muốn, để đẩy ngành công nghiệp phụ trợ, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ toàn diện, bao gồm cả tài chính, nâng cấp công nghệ và tiếp thị… từ đó sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp CNHT trên thị trường.

 

Nhận thức tầm quan trọng của CNHT, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao sáng kiến của các chuyên gia trong nước cũng như từ phía Nhật Bản.

 

Ông Khánh hy vọng, thông qua kì triển lãm lần này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp xúc với những công nghệ mới của Nhật Bản nói chung, các nước trong khu vực nói riêng, từ đó có cơ hội kết nối, nỗ lực phát triển để trở thành nhà cung cấp sản phẩm CNHT cho các công ty Nhật Bản nói riêng cũng như các doanh nghiệp FDI nói chung.

 

Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, hiện nay, việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam.

 

Ông Khánh nêu rõ, Bộ Công Thương hiện đang tích cực triển khai Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025, trong đó xác định hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, đáp ứng nhu cầu của chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, tạo ra chuỗi kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm tốt nhất cho thị trường trong nước cũng như quốc tế./.

 

Nguồn: vov.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang