Thứ Năm, 18/04/2024 07:48:33 GMT+7

Tin đăng lúc 13-05-2015

Lượt xem: 3954

Thế và lực mới của công nghiệp - thương mại Thừa Thiên - Huế

Thừa Thiên - Huế là vùng đất hội tụ những điều kiện cần thiết để xây dựng một nền kinh tế toàn diện, bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Thế và lực mới của công nghiệp - thương mại Thừa Thiên - Huế
Chi cục Quản lý thị trường bắt hàng lậu

Là một trong những tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, Thừa Thiên - Huế nằm trên trục giao thông quan trọng Bắc - Nam và trục hành lang kinh tế Đông - Tây, nối cảng Chân Mây với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và cả Tiểu vùng sông Mê Kông, đồng thời lại là một trong những cửa ngõ chính thông ra biển Đông, có cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã được nâng cấp hiện đại.

 

Với bờ biển dài 128 km và 22.000 ha đầm phá, có cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây hội đủ điều kiện để tiếp nhận các tàu trọng tải đến 50.000 DWT phục vụ giao lưu hàng hoá, tiếp chuyển hàng hoá quá cảnh của Lào, Campuchia và miền Trung Thái Lan, phục vụ du lịch quốc tế đường biển. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập với mô hình Khu kinh tế tổng hợp, sẽ trở thành trung tâm kinh tế và giao thương quốc tế lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả khu vực tiểu vùng Mê Kông. Với vị trí thuận lợi đó, Thừa Thiên - Huế có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế hàng hoá, mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong nước và thế giới.

 

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp và thương mại Thừa Thiên - Huế không ngừng củng cố, mở rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

 

Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2010. Năm 2012, con số này tăng lên 8.276,2 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2011. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 7,2% so với cùng năm trước. Đến năm 2014, tăng lên 9,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng chung cả nước là 6,7%. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp của Tỉnh trong thời gian qua vẫn duy trì được kết quả tăng trưởng khá, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất, một số ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất bia, dệt may, chế biến dăm gỗ, sản xuất phân phối điện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Các khu, cụm công nghiệp và làng nghề được đầu tư mở rộng; công tác khuyến công đã góp phần làm chuyển đổi nhận thức của các cơ sở sản xuất và chính quyền các cấp về phát triển công nghiệp nông thôn. Nhiều dự án quan trọng  đang thi công hoặc đã đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả cao.

 

Song song với sự phát triển ngành công nghiệp, hoạt động thương mại của Thừa Thiên - Huế cũng có bước tiến đáng kể. Kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2014 và dự báo 2015 có mức tăng trưởng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: Năm 2011 đạt  380,42 triệu USD, tăng 47,73%; năm 2012 đạt 469,02 triệu USD, tăng 23,29%; năm 2013 đạt 542,1 triệu USD, tăng 15,58%; năm 2014 đạt 623,75 triệu USD, tăng 15,06%; năm 2015 ước đạt 680,0 triệu USD, tăng 9,02% so với năm 2014 và tăng 2,64 lần so với 2010. Bình quân tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 ước đạt khoảng 22,14%/năm (cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% của cả nước). Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh là dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ và khoáng sản. Đến nay, hàng hóa của Thừa Thiên - Huế đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong thời gian qua, chủ thể tham gia xuất khẩu đã được mở rộng. Nếu như năm 2011 mới có 44 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu thì đến nay con số này đã tăng lên 57 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn của doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 20,49%. Đây là khu vực kinh tế năng động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu của Tỉnh. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này mới chỉ đạt 155,03 triệu USD, tăng 37,15% và chiếm 40,75%; năm 2013 đạt 233,73 triệu USD, tăng 13,23% và chiếm 43,12%; năm 2015 ước đạt 280,0 triệu USD, tăng 8,41% so với năm 2014 và tăng 2,28 lần so với 2010, chiếm 41,18 tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp FDI tăng 23,58%. Năm 2011 đạt 225,4 triệu USD, tăng 56,01% và chiếm 59,25%; năm 2013 đạt 233,73 triệu USD, chiếm 56,88%; năm 2015 ước đạt 400,0 triệu USD, tăng 9,45% so với năm 2014 và tăng 2,77 lần so với 2010, chiếm 58,82% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bản Tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 tăng khá, bình quân đạt 17,6%. Cơ cấu nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Giai đoạn 2011 - 2015, kim ngạch xuất khẩu luôn vượt kim ngạch nhập khẩu do doanh nghiệp tăng cường sử dụng nguồn cung trong nước. Bình quân kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu khoảng 172 triệu USD. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại nội địa cũng ngày càng khởi sắc. Nếu năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và tiêu dùng xã hội chỉ đạt khoảng 17.700 tỷ đồng, thì đến năm 2014 con số này đã tăng lên 28.110 tỷ đồng.

 

Trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu của ngành công nghiệp là phục hồi đà tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, gắn với thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10%, thu hút đầu tư vào các KCN đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Quy hoạch công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 và Kế hoạch phát triển các Khu công nghiệp đến năm 2020; Thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Dệt may và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực gạch không nung. Tiếp tục hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư cũng như các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp, dự án có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh. Khuyến khích, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bia, sản xuất ngành công nghiệp dệt may, chế biến cát, sản phẩm silicat chất lượng cao. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy dệt may về các vùng nông thôn. Tiếp tục thực hiện Chương trình khôi phục, phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu; chương trình khuyến công.

 

Về lĩnh vực thương mại: Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường và tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng hàng xuất qua chế biến. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ.

 

Từ một địa phương phải chịu thiệt hại nặng nề của chiến tranh, lại trải qua những giai đoạn khó khăn về cấm vận, bao vây kinh tế của các thế lực bên ngoài, đến nay kinh tế - xã hội Thừa Thiên - Huế đã có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Tỉnh đã đã tạo ra thế và lực mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội dịa phương.

 

Võ Phi Hùng       

                                          Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang