Thứ Bẩy, 20/04/2024 19:34:01 GMT+7

Tin đăng lúc 18-02-2019

Lượt xem: 4959

Thêm nhiều nước xem xét tham gia CPTPP

Sự quan tâm đối với CPTPP của một số nước từ năm 2018 đã thúc đẩy các thành viên của hiệp định thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán tiếp nhận thành viên mới ngay từ năm 2019.
Thêm nhiều nước xem xét tham gia CPTPP

Điều này mở ra triển vọng có thể có nhiều quốc gia hơn dự kiến sẽ tham gia hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai.

 

CPTPP chứng tỏ sức hút

 

Hiệp định CPTPP (trước đó đặt tên là TPP) đã trải qua rất nhiều khó khăn, tưởng như có lúc phải sụp đổ vì Mỹ đột ngột dừng cuộc chơi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các nước còn lại, sân chơi này vẫn sẽ là một thị trường đầy tiềm năng, giúp cắt giảm các khoản thuế, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Tham gia Hiệp định có 11 quốc gia thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này được đánh giá là một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

 

Hiệp định này tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực. Hiệp định này cũng từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

 

Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi trong nhóm và tham gia cuộc chơi với cam kết: Cắt giảm gần 100% dòng thuế; đối với hoạt động mua sắm công; đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước; được thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; các vấn đề môi trường, thương mại điện tử...

 

Năm 2019 là năm đầu tiên các cam kết của CPTPP chính thức đi vào cuộc sống đối với 7 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam).

 

Hiện tại, 4 thành viên còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục phê chuẩn nội bộ để hiệu lực hóa hiệp định này.

 

Việc một số nền kinh tế (như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Indonesia…) thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP không phải chỉ vừa mới xuất hiện, mà đã được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2018 ngay sau khi hiệp định được ký kết vào tháng 3 tại Chile.

 

Một số nền kinh tế khác còn bày tỏ nguyện vọng tham gia hiệp định khi CPTPP còn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Mỹ còn là một thành viên.

 

Có thể nói, sau khi CPTPP chính thức trở thành hiện thực, danh sách các thành viên tương lai của hiệp định ngày càng trở nên đa dạng, thậm chí ngay cả Mỹ cũng có khả năng quay trở lại và Trung Quốc cũng có thể gia nhập hiệp định này…

 

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam

 

CPTPP được dự báo sẽ tạo ra một bước ngoặt mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, tự do hóa dịch vụ, giúp nền kinh tế Việt Nam có xung lực mới, tạo sức ép hợp lý thúc đẩy cạnh tranh.

 

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, việc CPTPP mở ra cánh cửa dẫn tới nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu Việt Nam bằng việc tạo ra các ưu đãi thuế quan đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam bước vào thị trường 10 nền kinh tế đối tác.

 

Hiệp định này, vì vậy, hứa hẹn mang lại các dịch vụ có chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và giảm giá thành sản xuất cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

 

Đặc biệt, CPTPP là một sức ép có trọng lượng, thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công… trong các cam kết.

 

Đây không chỉ là cơ hội cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện phương thức vận hành của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam mà còn là sức ép hợp lý để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, phù hợp với những đòi hỏi của thị trường hiện đại.

 

Theo bà Trang, tham gia CPTPP, để đổi lấy những cơ hội, Việt Nam cũng phải cam kết mở cửa mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ của mình cho các đối tác. Đồng thời, chúng ta cũng phải chấp nhận những quy tắc tiêu chuẩn cao, thu hẹp không gian chính sách phía sau đường biên giới.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, những cơ hội sẽ đi cùng với không ít rủi ro, thách thức và cạnh tranh khắc nghiệt cho các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, DNNVV đang chiếm đa số với năng lực cạnh tranh hạn chế.

 

Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ phải mở cửa theo cam kết cho các đối tác, cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong hiệp định, yêu cầu khắt khe về chất lượng. Vì vậy những doanh nghiệp có quy mô và vốn nhỏ sẽ khó có điều kiện thay đổi để tiếp cận với những lợi thế mà hiệp định mang lại. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có đủ tiềm năng và nền tảng công nghệ mới có thể có những đầu tư theo tiêu chuẩn mới.

 

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may, nhất là tại một số thị trường mới như như Úc, Canada… Để có thể đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu vào các nước này theo cam kết hiệp định buộc các DN cũng cần phải thay đổi công nghệ, đảm bảo quy tắc xuất xứ.

 

Điều đáng nói là doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi. Trao đổi với DĐDN, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội nhận định, vấn đề am hiểu về CPTPP của các doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt khi hội nhập, thực hiện các cam kết của CPTPP.  “Khi chúng ta giao thương buôn bán hàng hóa liên quan đến sở hữu trí tuệ liên quan đến bảo hộ thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vấn đề”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

 

Thậm chí, ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong còn chia sẻ, bản thân doanh nghiệp ông không cảm nhận được “áp lực” từ hiệp định CPTPP hay EVFTA sắp tới, dù các sản phẩm của công ty là dừa tươi đang bán vào các nước tham gia hiệp định.

 

Ông Mạc Quốc Anh nhận định, giá cả của các sản phẩm Việt chưa đủ sức cạnh tranh. “Hiện nay năng lực của các doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV về vốn và quản trị còn yếu. Chúng ta vẫn đang làm rất nhiều khâu mà chúng ta chưa chuyên biệt các sản phẩm. Có nghĩa là chúng ta chưa tham gia được vào chuỗi giá trị liên kết mang tính khu vực và toàn cầu”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang