Thứ Năm, 25/04/2024 13:42:47 GMT+7

Tin đăng lúc 05-05-2017

Lượt xem: 4359

Thị trường bán lẻ đang bị các mặt hàng ngoại nhập “khống chế”?

Đó là câu hỏi được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/5 về việc trong khi nhiều sản phẩm trong nước không tiêu thụ được như thịt lợn, thuỷ sản, rau-củ-quả, thì vẫn có một lượng lớn hàng nhập khẩu cùng chủng loại tiêu thụ trong nước.
Thị trường bán lẻ đang bị các mặt hàng ngoại nhập “khống chế”?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/5.

“Xin Chính phủ cho biết có phải thị trường bán lẻ đang bị các mặt hàng ngoại nhập “khống chế”, chỗ dành cho tiêu thụ các sản phẩm Việt còn rất ít, đặc biệt là nông sản của bà con nông dân? 73% nông sản xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc. Xin hỏi trong 1 tỷ USD xuất khẩu thì bao nhiêu là xuất khẩu chính ngạch, bao nhiêu là tiểu ngạch, mức độ rủi ro của người nông dân là bao nhiêu?” – Báo chí đặt câu hỏi.

 

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 29,4%, trong khi xuất khẩu tăng 15,4%. Chính vì vậy tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,74 tỷ USD, bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chúng ta cần phải nhìn xem Việt Nam nhập khẩu mặt hàng nào. Trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị… để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu.

 

Mặt khác, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá của một số mặt hàng nhập khẩu như nhiên liệu, nguyên liệu của một số ngành sản xuất, các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, hoá chất, chất dẻo, nguyên liệu… có giá trị nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá dầu thô.

 

Về cán cân thương mại, từ trước đến nay, khối doanh nghiệp FDI luôn ở trạng thái xuất siêu, trong khi các doanh nghiệp trong nước luôn ở trạng thái nhập siêu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã đạt những kết quả rất tích cực. Trong 1 tháng đạt từ 13-13,3 tỷ USD, tăng 13,7%. Rất nhiều mặt hàng đã tăng trưởng. Đây là kết quả khả quan nếu so sánh với thời điểm này năm 2016, xuất khẩu tăng 3,4%.

 

Việc phải nhập khẩu nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến cho xuất khẩu cho thấy sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải phát triển sản xuất, nếu sản xuất tốt sẽ đỡ phải nhập khẩu. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những sản phẩm sản xuất được trong nước thì ưu tiên sử dụng.

 

Hiện nay, nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ như quần áo, điện tử… vẫn đang ở mức tương đối cao.

 

Liên quan đến vấn đề tại sao Việt Nam xuất siêu trong khi vẫn nhập khẩu nhiều mặt hàng cùng chủng loại thì hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển xuất khẩu, thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam.

 

Do đó, việc quan tâm là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn.

 

“Về giá thịt lợn, xin cung cấp thông tin liên quan đến việc liệu có phải do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm này trong nước hay không”? – Thứ trưởng đặt câu hỏi. Ông cũng cho biết, cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước. “Do đó, việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước”. – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

 

Ông cũng nói thêm: Nếu vào các siêu thị sẽ thấy các sản phẩm nhập khẩu có giá đắt hơn rất nhiều so với các sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước.

 

Liên quan đến tạm nhập-tái xuất, năm 2016 chỉ tạm nhập-tái xuất 20 triệu USD thịt lợn, Thứ trưởng cho biết, hiện nay Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang rất lưu ý và có nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhập-tái xuất vào thị trường nội địa. "Các mặt hàng tạm nhập-tái xuất chủ yếu là nội tạng lợn. Do đó sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã có các biện pháp để có thể sẵn sàng trong trước mắt tạm dừng tạm nhập-tái xuất các sản phẩm thịt lợn và liên quan đến thịt lợn". - ông Hải nói.

 

Ông cũng cho rằng, việc tại sao nhiều mặt hàng của Việt Nam như rau quả, thịt lợn không thể xuất khẩu sang thị trường các nước, trước hết là do chất lượng các mặt hàng này. “Ví dụ như thịt lợn, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hong Kong và Malaysia là chúng ta đã ký Hiệp định về thú ý, công nhận chất lược kiểm dịch. Như vậy nếu về chính ngạch sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng cũng xin nói thêm là hai thị trường này chỉ nhập khẩu lợn sữa, với số lượng rất ít. Tương tự như vậy là các mặt hàng rau, quả”. – Thứ trưởng thông tin thêm.

 

Nguồn Enternews.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang