Thứ Năm, 25/04/2024 07:44:51 GMT+7

Tin đăng lúc 10-02-2017

Lượt xem: 2049

Thị trường EU: Cơ hội đang dần đi qua

Mặc dù trong khu vực Asean, Việt Nam vẫn dẫn đầu các hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU), cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU đã đạt được nhiều kết quả, nhưng khả năng mở rộng và đổi mới mặt hàng chưa cao, hiệu quả xuất khẩu còn thấp. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore… gần đây cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán để có những thỏa thuận riêng với EU.
Thị trường EU: Cơ hội đang dần đi qua
Những ngành hàng như dệt may, giày dép,…dù xuất khẩu sang EU từ nhiều năm nay nhưng giá trị thu về vẫn chưa cao

Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng qua các năm nhưng mức độ tăng trưởng không đồng đều. Năm 2011, tăng trưởng đạt 31,17%, năm 2010 là 17,42%, năm 2013 xuống 16,56% và năm 2015 chỉ còn 10,11%.

 

Xuất khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường Đức, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha. Cụ thể, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu vào 6 thị trường này chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Anh và Đức chiếm gần 36% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU, đến năm 2014 chiếm hơn 45%. Điều này cho thấy khả năng mở rộng thị trường của các DN Việt còn rất hạn chế, tốc độ mở rộng thị trường chậm.

 

Vẫn là xuất khẩu thô

 

Khả năng đa dạng hóa sản phẩm còn khó khăn, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng dệt may, giày dép, hàng điện tử, thủy sản và nông sản. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của 6 nhóm hàng này chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU, nhóm hàng dệt may, da giày và điện tử chiếm trên 72%, riêng hàng điện tử trên 50%.

 

Hiệu quả xuất khẩu thấp, chú trọng nhiều đến mặt lượng, ít tập trung vào mặt chất. Các mặt hàng xuất khẩu vào EU chủ yếu là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế về lao động, về điều kiện tự nhiên. Hiện nay, hàng dệt may, giày dép trên 60% là gia công xuất khẩu; trong khi gia công chủ yếu hưởng lợi từ tiền công và bán một phần nguyên phụ liệu cho bên đặt gia công, tùy theo từng hợp đồng cung ứng.

 

Hay như hàng điện tử chủ yếu là lắp ráp, giá trị nội địa hóa thấp và hầu hết do các DN FDI xuất khẩu. Mặc khác, các DN cung cấp vào phân khúc thị trường giá rẻ nên giá trị gia tăng thấp vì muốn tăng kim ngạch trong phân khúc thị trường giá rẻ buộc phải tăng số lượng tương ứng, trong khi dung lượng thị trường chỉ có hạn.

 

Lấy ví dụ từ thị trường Anh, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại tại Vương quốc Anh, từng cho biết rằng Anh được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ các nhu cầu của thị trường này.

 

Thực tế, nhiều người tiêu dùng tại Anh hiện chỉ biết một vài thương hiệu của Việt Nam. Đơn cử, ngay như việc Việt Nam xuất khẩu cà phê vối (robusta coffee) lớn nhất thế giới, xuất khẩu gạo cũng thuộc “top đầu”, song thế giới cũng chỉ “biết chung chung” có vậy, mà chưa thấy thương hiệu cụ thể nào.

 

PGs.Ts, Doãn Kế Bôn, trường Đại học Thương mại, đánh giá rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu chưa cao, hàng hóa Việt Nam chủ yếu nằm ở phân khúc thị trường giá trung bình và thấp.

 

Trong khi đó, khả năng đổi mới mặt hàng, đặc biệt tạo ra các sản phẩm có tính mới theo từng khu vực thị trường của các DN Việt Nam còn hạn chế. Chất lượng sản phẩm còn thấp và không đồng đều, khả năng cung cấp của các DN thiếu tính chuyên nghiệp, uy tín của các thương hiệu chưa cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU.

 

Còn thờ ơ với EVFTA

 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kì vọng sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tăng 50% vào năm 2020. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam tăng từ 4 – 6% kim ngạch xuất khẩu hàng năm vào EU (chưa tính phần tăng thêm hàng năm).

 

Hiệp định này còn mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm cốt lõi của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản sang một trong những khu vực kinh tế phát triển và có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. Tuy nhiên, DN Việt lại chưa tận dụng hết những cơ hội này.

 

Giải thích về điều này, không ít DN tỏ ra ngần ngại bởi theo họ, công nghệ Việt Nam không đủ điều kiện đáp ứng những yêu cầu từ EVFTA đưa ra, khiến họ chỉ xuất thô. Sau đó, phía doanh nghiệp EU sẽ đóng gói và dán mác một công ty nước ngoài.

 

PGs.Ts. Bôn cho biết, nguyên nhân là do công nghệ sản xuất còn khá lạc hậu. Theo kết quả khảo sát tại 34 DN sản xuất giày dép ở Tp.HCM và Tp.Hải Phòng có 43,1% là áp dụng cơ khí; 53,3% là áp dụng cơ khí bán tự động và chỉ có 3,6% là áp dụng tự động.

 

Thiết bị chủ yếu là của Đài Loan (50%), Hàn Quốc (20%) và Trung Quốc (10%), máy móc thiết bị sản xuất trong nước còn rất hạn chế. Trình độ công nghệ sản xuất phổ biến ở mức trung bình và trung bình khá so với khu vực.

 

Ngoài ra, lo ngại về thực tế nhiều DN chưa quan tâm tới những cơ hội do EVFTA đem lại, mới đây, ông Michael Behrens, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: “Chỉ còn gần 1 năm nữa, EVFTA sẽ có hiệu lực. Tôi cảm nhận Việt Nam dường như dành quan tâm cho EVFTA ít hơn so với TPP. Tuy nhiên, từ tháng 1/2017, khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh Mỹ rút khỏi TPP, mọi thứ đã thay đổi. Trong khi đó, các lợi ích EVFTA đem lại là rất rõ ràng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như đưa mối quan hệ này trở thành đối tác bền vững, phát triển lâu dài”.

 

Ông Michael Behrens cho biết thêm rằng cho đến nay, trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn dẫn đầu các hợp tác với EU. Song các nước như Malaysia, Philippines và Indonesia gần đây cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán để có những thỏa thuận riêng với EU. Nếu các DN Việt Nam không nhanh chân, trong thời gian không xa, các cơ hội từ thị trường EU sẽ thuộc về những nước trong khu vực cũng đang rất quan tâm tới thị trường này.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang