Thứ Bẩy, 20/04/2024 14:45:08 GMT+7

Tin đăng lúc 01-07-2018

Lượt xem: 3003

Thị trường ô tô năm 2018: Giấc mơ ô tô giá thấp có thành hiện thực?

Từ ngày 01/01/2018, trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), những dòng xe có xuất xứ từ ASEAN sẽ được hưởng thuế suất, thuế nhập khẩu bằng 0% nếu đáp ứng được những điều kiện quy định tại Nghị định 129/2016/NĐ-CP. Điều này khiến người tiêu dùng Việt Nam có thể “mơ” về việc sở hữu những mẫu xe giá rẻ trong năm 2018.
Thị trường ô tô năm 2018: Giấc mơ ô tô giá thấp có thành hiện thực?
Thị trường ô tô năm 2018 có nhiều biến động

Theo báo cáo khảo sát về thị trường ô tô 2017 của Công ty Tư vấn chiến lược & Tiếp thị Thị trường châu Á Solidiance, trong 1.000 người Việt Nam chỉ có 16 người sở hữu ô tô – một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Indonesia. Nguyên nhân chủ yếu là do giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn so với mặt bằng chung tại khu vực, bởi một số rào cản như Việt Nam đang áp mức thuế phí rất cao để bảo vệ cho ngành sản xuất ô tô nội địa.

 

Song giấc mơ sở hữu ô tô của người Việt đang ngày càng trở nên hiện hữu khi lộ trình cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA, được thực hiện từ ngày 01/01/2018.

 

Những yếu tố tác động đến thị trường ô tô

 

Bước vào năm 2018, nhiều chính sách mới được áp dụng, trong đó có những chính sách tác động trực tiếp đến việc cấu thành giá của một chiếc xe khi được bán tại thị trường Việt Nam. Nhưng đáng chú ý nhất là Nghị định 116/2017/NĐ-CP với những quy định về lắp ráp, nhập khẩu ô tô nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. 

 

Với những điều khoản mới trong Nghị định 116 đã tạo nên những xáo trộn trên thị trường, nhất là đối với dòng xe nhập khẩu. Chỉ có những DN có chứng nhận ủy quyền triệu hồi sản phẩm, cam kết hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh kiện từ nhà sản xuất nước ngoài thì mới được phép nhập xe về Việt Nam. Điều này khiến hầu như tất cả các hãng xe tham gia kinh doanh mảng xe nhập khẩu gặp khó khăn và chính thức thông báo tạm dừng đưa xe về Việt Nam. Không chỉ các DN có nhà máy tại Việt Nam (thành viên VAMA), mà các nhà nhập khẩu chính hãng cũng lâm vào tình cảnh tương tự: không thể mở tờ khai vì thiếu giấy tờ theo quy định. Chính vì vậy, đã hết nửa năm kể từ khi thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0% nhưng tác động đến thị trường ô tô Việt Nam có lẽ cũng chưa nhiều lắm. Người tiêu dùng vẫn chưa có thêm nhiều lựa chọn từ dòng xe nhập khẩu. 

 

 

Người tiêu dùng đang mong chờ xe nhập khẩu đổ bộ về Việt Nam

 

Theo các chuyên gia, Nghị định 116 là bước đi cần thiết như một biện pháp bảo hộ xe lắp ráp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh về giá của xe nhập khẩu có thuế 0% từ khối ASEAN. Bởi xe lắp ráp trong nước sẽ chủ động được thời gian ra mắt sản phẩm, kế hoạch sản xuất, do đó đủ cơ sở để giảm giá, trong khi xe nhập khẩu đang có những vướng mắc phát sinh sẽ không thể chủ động được dự toán tài chính. Tuy nhiên, cần mềm dẻo, không nên đẩy DN vào một thế khó.

 

Xe nhập “vắng bóng”, xe lắp ráp “lên ngôi”

 

Những tháng đầu năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự “lên ngôi” của các dòng xe lắp ráp. Tính đến hết tháng 5/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10%, trong khi xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kì năm ngoái, chỉ đạt 16.320 xe, chưa bằng 1/5 xe lắp ráp trong nước.

 

Theo các chuyên gia nhận định, việc xe trong nước tăng trưởng còn xe nhập khẩu giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2018 cũng là dễ hiểu, vì mới có Honda Việt Nam và GM Việt Nam đáp ứng được những quy định của Nghị định 116 và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 để nhập khẩu xe và hoàn tất các thủ tục đăng kiểm, hải quan... nên lượng xe nhập khẩu về Việt Nam và bán ra trên thị trường vẫn rất khiêm tốn.

 

Giấc mơ ô tô giá thấp có thành hiện thực?

 

Kiểm soát không nhập khẩu là chủ trương của Chính phủ. Chính sách được ban hành cũng như diễn biến thị trường đang thể hiện rõ điều này. Song, tình trạng khan hiếm một số mẫu xe nhập khẩu trong những tháng đầu năm 2018 được cho là sẽ diễn ra không lâu. Bởi theo thông tin từ một số hãng  như Toyota, Mitsubishi, Ford cho biết, họ đã có đầy đủ giấy tờ cần thiết và bắt đầu nhập khẩu ô tô trở lại từ cuối tháng 5/2018, giải quyết tình trạng khan hàng. Xe nhập khẩu sắp tạo làn sóng đổ bộ sau thời gian dài khan hàng sẽ là sức ép không nhỏ đối với xe lắp ráp.

 

Trước áp lực xe nhập khẩu sắp ồ ạt trở lại Việt Nam, nhiều hãng đã giảm giá cũng như đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là xe lắp ráp để thúc đẩy doanh số.

 

Tuy nhiên, đối với dòng xe nhập khẩu, theo nhiều DN trong ngành ô tô cho biết, Nghị định 116 mới với nhiều rào cản khiến chi phí nhập khẩu và kiểm định tăng lên. Vì vậy, mặc dù thuế đã giảm nhưng những vướng mắc về thủ tục nhập khẩu, những khó khăn về nguồn cung sẽ khiến cho giá thành bị đội lên.

 

Giai đoạn nửa cuối năm 2018, tình trạng khan hiếm nguồn cung ở thị trường ô tô Việt Nam được nhận định là sẽ phần nào cải thiện. Tuy nhiên, việc giá bán lẻ có giảm hay không thì khó ai có thể chắc chắn./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang