Thứ Sáu, 19/04/2024 12:06:45 GMT+7

Tin đăng lúc 16-02-2018

Lượt xem: 2739

Thị trường Tết âm lịch: Sức mua tăng, giá cả ít biến động

Đây là nhận định nêu trong báo cáo tổng hợp tình hình giá cả thị trường của Bộ Tài chính trước Tết từ ngày 14/2- 15/2/2018 (tức ngày 29/12- 30/12 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018).
Thị trường Tết âm lịch: Sức mua tăng, giá cả ít biến động
Hàng công nghệ phẩm chế biến trong nước có bước tiến vượt trội

Báo cáo thị trường các địa phương cho thấy, năm nay người lao động nghỉ dài ngày nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Tết được dàn trải ra nhiều ngày, tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp và kéo dài đến 30 Tết. Các mặt hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến, quà bánh, quần áo mới... đã được người tiêu dùng mua sắm từ trước. Vì vậy, ngày 30 Tết, tại các thành phố lớn, hầu như người dân đều đã về quê để đón Tết, nhưng nhìn chung sức mua vẫn tăng mạnh so với ngày 29 Tết và lượt khách đến chợ tập trung vào buổi sáng. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và các thành phố lớn  hoạt động mua sắm số đông chủ yếu là hoa cảnh (đào, quất), cây cảnh, rau củ quả, thực phẩm tươi sống; tập trung ở siêu thị và chợ truyền thống.

 

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn lượng hàng hóa dồi dào, sức mua tăng 30-35% so với ngày thường nhưng giá cả ổn định. Hàng công nghệ phẩm chế biến giá ổn định do nguồn cung lớn, mẫu mã bao bì chất lượng hàng Việt Nam sản xuất có sự tiến bộ vượt trội so với Tết Đinh Dậu 2017 và các năm trước, chiếm được thị phần lớn, cạnh tranh được với hàng tương tự, ngoại nhập. Hàng thực phẩm tươi sống: giá ổn định do nguồn cung dồi dào. Giá thịt bò, gia cầm, hải sản có nhích nhẹ so với ngày thường, phản ánh xu thế chung sức mua tăng trong dịp Tết. Liên quan đến hàng rau củ quả, hoa, cây cảnh, mặt hàng rau xanh tăng nhẹ do thời tiết rét đậm kéo dài, nhưng nguồn cung dồi dào.

 

Tại Hà Nội, chợ dân sinh mặt hàng được mua bán nhiều hơn là rau xanh hoa quả bày bàn thờ và gà ta còn sống (dao động trong khoảng 135.000-150.000 đồng/kg. Tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn, hàng hóa được mua nhiều là các loại bánh mứt kẹo, bánh chưng (60.000 đồng/chiếc) giò lụa 160.000/chiếc, cà chua 20.000 đồng/kg.

 

Tại TP Hồ Chí Minh, sức mua ngày 29 Tết (14/2/2018) trên thị trường tăng 20%-30% so với ngày thường, tập trung tại các chợ lẻ, buổi sáng. Tại các chợ đầu mối giá bán các mặt hàng đa số ổn định, riêng mặt hàng thịt gia súc và gia cầm biến động không đáng kể. Tại các chợ lẻ giá mặt hàng thịt gia súc giảm nhẹ sau khi đã tăng trong các ngày trước; các mặt hàng phục vụ nhu cầu cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, thủy hải sản, hoa chưng Tết tăng nhẹ.

 

Đặc biệt Saigon Co.op thực hiện chương trình khuyến mãi liên tục từ trong các ngày Tết với mức giảm 10%-15% đối với các mặt hàng thịt gia súc; trứng vịt giảm 1.000đ/chục, trứng gà giảm 2.000đ/chục; gà ta và gà công nghiệp giảm 10% và bánh chưng giảm 10% riêng mứt các loại giảm 15-30%. Công ty Vissan thực hiện chương trình giảm 10-15% đối với tất cả các mặt hàng thịt heo tham gia Chương trình bình ổn Tết Mậu Tuất năm 2018 từ ngày 13/2/2018 đến hết ngày 19/02/2018 (tức ngày 28 tháng Chạp đến hết ngày 4 tháng giêng), áp dụng tại tất cả các hệ thống siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong dịp tết.

 

Tại Cần Thơ, do có 9 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trên địa bàn thành phố, giá trị nguồn hàng dự trữ thường xuyên 403 tỷ đồng, với 34 điểm bán lẻ. Chương trình có 12 mặt hàng bình ổn, gồm: Gạo tẻ thường, gạo thơm nội địa, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ quả, đường các loại, dầu ăn các loại, tập học sinh và viết các loại, viết bi các loại, cặp, ba lô học sinh các loại. Doanh nghiệp chủ động về nguồn vốn, niêm yết giá bán, giá bán thấp hơn từ 5%; thực hiện việc bán hàng cố định, lưu động theo kế hoạch và theo cam kết của đơn vị. Thời gian thực hiện bán hàng bình ổn những tháng thường trong năm 2017 từ ngày 1/7/2017 đến ngày 31/12/2017. Thời gian thực hiện bán hàng bình ổn vào dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/3/2018.

 

Tại một số địa phương khác (Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Phước…), giá cả nhìn chung không có biến động bất thường. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên giá tại một số chợ dân sinh tăng so với ngày thường do yếu tố tâm lý, tập trung chủ yếu ở nhóm thịt bò, thịt gà, giò với mức tăng phổ biến khoảng 10- 15%; giá hoa cảnh, cây cảnh biến động tăng tại một số khu vực. Giá rau, củ ổn định hoặc giảm (Lạng Sơn, Bắc Giang) do nguồn cung dồi dào.

 

Từ ngày 16/2/2018 (mùng 1 Tết), hầu hết các siêu thị đều không mở cửa, thường chỉ có một số sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng mở bán lấy may. Người dân chủ yếu đi thăm hỏi chúc Tết và đi lễ chùa đầu năm. Vì vậy, giá cả các loại hàng hóa sẽ ít biến động so với ngày 30 Tết.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang