Thứ Sáu, 19/04/2024 17:10:55 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2015

Lượt xem: 4053

Thị trường Tết Bính Thân 2016: Cân đối cung cầu, giá ổn định

Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương TPHCM khẳng định, hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016 sẽ dồi dào, phong phú về chủng loại, chất lượng cải thiện, đủ sức để bình ổn thị trường.
Thị trường Tết Bính Thân 2016: Cân đối cung cầu, giá ổn định
Siêu thị Co.op Mart có thêm nhiều mặt hàng đạt chuẩn VietGAP, Globalgap

Hà Nội: Đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng

 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết cũng như bình ổn giá trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Bính Thân, UBND thành phố Hà Nội quyết định tạm ứng vốn trên 236 tỷ đồng cho 10 DN để dự trữ 7 nhóm hàng thiết yếu gồm: Gạo tẻ, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn và rau củ tươi. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2015 đến hết tháng 4/2016 với lãi suất 0%.

 

Theo kế hoạch, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ dự trữ các nhóm hàng: Gạo tẻ 34.500 tấn, thịt lợn 5.740 tấn, thịt gà 2.453 tấn, trứng gia cầm 38,446 triệu quả, thủy hải sản đông lạnh 1.020 tấn, rau củ 32.800 tấn, thực phẩm chế biến 2.400 tấn, bánh mứt kẹo 847 tấn... với tổng giá trị khoảng 2.566 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN chủ động dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp Tết.

 

Các DN sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 10- 15% so với các tháng bình thường trong năm. Cụ thể, các DN sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán trên 30.000 tấn hàng, tương đương 2.500 tỷ đồng; DN sản xuất rượu, bia, nước giải khát chuẩn bị trên 190 triệu lít bia, hơn 6 triệu lít rượu, tương đương 6.000 tỷ đồng; DN kinh doanh xăng dầu dự trữ, bán ra thị trường hơn 6 vạn m3 xăng dầu, tương đương 1.200 tỷ đồng….

 

Bên cạnh đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, Chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện. Các DN sẽ bán các mặt hàng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng; tổ chức 12 phiên chợ Việt, 9 Tuần hàng Việt, 210 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất...

 

Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội khoảng 15.000 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng các nhóm hàng thiết yếu của nhân dân Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Bính Thân.

 

TP.Hồ Chí Minh: 16.208,8 tỷ đồng hàng hóa Tết

 

Theo bà Lê Ngọc Đào- Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh- Tết Dương lịch 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân cách nhau hơn 1 tháng, sức mua thị trường sẽ tăng cao khoảng 15% so với dịp Tết 2015. Nguồn cung từ DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30- 40% thị phần.

 

Năm 2015 là năm thứ ba TP.Hồ Chí Minh thực hiện xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách cho hàng bình ổn giá. Năm nay, 11 ngân hàng cho vay 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5- 2% so với năm 2014.

 

Ông Nguyễn Nguyên Phương- Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh- cho biết, giá hàng bình ổn thị trường 2015 ổn định, không thay đổi. Duy nhất thịt gia cầm điều chỉnh giảm từ 1.000- 2.000 đồng/kg. Riêng Tết Bính Thân 2016, giá bán hàng bình ổn sẽ không điều chỉnh tăng trong 2 tháng trước, trong và sau Tết.

 

Đến thời điểm này, DN tham gia bình ổn thị trường đã chuẩn bị xong hàng Tết với tổng giá trị hàng hóa đạt 16.208,8 tỷ đồng, trong đó có 6.863,9 tỷ đồng hàng bình ổn.

 

Thông qua chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa với gần 100 hợp đồng ký kết với các địa phương, lượng hàng Tết Bính Thân tại các siêu thị, trung tâm thương mại tăng gấp 2- 3 lần so với tháng bình thường.

 

Ngoài sản xuất, dự trữ hàng, trong tháng cận Tết Bính Thân, DN đã đăng ký thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại với giá trị 800 tỷ đồng. Các DN bình ổn thị trường và nhà phân phối có kế hoạch khuyến mãi, giảm giá hàng Tết. Cụ thể trứng gia cầm giảm 1.000- 2.000 đồng/chục 2 ngày trước Tết; thịt gia súc giảm 5- 10% trong 1 tháng trước Tết; thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận Tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5- 7% trong 2 tuần trước Tết; rau củ quả, thủy, hải sản giảm 15- 20% trong 1 tháng trước Tết.

 

Với 4 chương trình bình ổn thị trường, TP.Hồ Chí Minh hiện có 9.205 điểm bán hàng, tăng 238 điểm so đầu chương trình (1/4/2015), trong đó có 3.691 điểm bán lương thực- thực phẩm tại 109 siêu thị, trung tâm thương mại, 448 cửa hàng tiện lợi; 832 điểm bán tại 128 chợ truyền thống; 2.302 điểm bán trong khu dân cư; 917 điểm bán tại các huyện ngoại thành và 339 chuyến bán hàng lưu động trong 2 tháng trước Tết.

 

Sự khác biệt của Tết Bính Thân so với năm ngoái là ngành Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hệ thống cửa hàng chuỗi thực phẩm an toàn, các mặt hàng lương thực, thực phẩm đạt chuẩn Vietgap, Globalgap... được cấp chứng nhận, gắn logo chuỗi, giúp cho người tiêu chọn được hàng Tết chất lượng cao. Tại TP.Hồ Chí Minh hiện đã có hơn 50 sản phẩm đạt chuẩn và đang tìm kiếm thêm sản phẩm để đưa vào chuỗi thực phẩm an toàn. Sở Công Thương phối hợp Sài Gòn Co.op chọn mỗi quận tối thiểu 1 cửa hàng Co.opfood để chuyển đổi sang mô hình này trong tháng 12/2015.

 

Bà Lê Ngọc Đào nhận định, với những gì các DN sản xuất, nhà phân phối đã chuẩn bị, hàng Tết Bính Thân 2016 sẽ dồi dào, phong phú về chủng loại, chất lượng đã được cải thiện và đủ sức để bình ổn thị trường.

 

Dịp Tết Bính Thân, chợ Bình Điền sẽ tổ chức Hội hoa xuân với gần 250 gian hàng từ ngày 20 đến 30 tháng chạp, không thu tiền gian hàng để hỗ trợ nhà vườn tiêu thụ hoa kiểng và giúp người dân mua sắm thuận lợi.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang