Thứ Năm, 25/04/2024 23:15:27 GMT+7

Tin đăng lúc 08-02-2020

Lượt xem: 9495

Thị trường thực phẩm đã thật sự bình ổn?

Ngành công thương đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát tốt tình hình, ổn định thị trường, các nhà cung cấp thực phẩm, siêu thị cũng cam kết không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá các thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy?
Thị trường thực phẩm đã thật sự bình ổn?
Không xảy ra tình trạng khan hàng nhưng có thiếu hàng cục bộ

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra đột xuất một số siêu thị khu vực Hà Nội như: Big C, Saigon Coop, Vinmart trước mối lo dịch viêm phối cấp do virus Corona (nCoV) diễn biến phức tạp.

 

Bên cạnh đó, để đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường trong nước đã lập đường dây nóng với số điện thoại 091.579.7512 để tiếp nhận thông tin về những cơ sở có hiện tượng thiếu, găm hàng, đầu cơ, thổi giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm (trừ khẩu trang và trang thiết bị y tế) nhằm có hướng xử lý kịp thời.

 

Siêu thị khẳng định bình ổn

 

Trong những ngày vừa qua, trước lo sợ về sự bùng phát của bệnh viêm phối cấp do virus corona gây ra trùng với thời điểm sau Tết Nguyên đán khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, rau xanh của người dân tăng cao, thậm chí đã có thông tin về hiện tượng người dân đi mua thực phẩm tích trữ.

 

Tuy nhiên, đại diện các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Big C cho rằng, đây chỉ là hiện tượng cục bộ tại một số thời điểm nhất định. Thực tế, theo ghi nhận tại cuộc kiểm tra của Vụ Thị trường trong nước, lượng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại các siêu thị vẫn đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân.

 

Đáng chú ý, không có hiện tượng đổ xô đi mua hàng về tích trữ, các siêu thị cũng cam kết đủ hàng để phục vụ nhu cầu người dân. Ghi nhận của phóng viên tại siêu thị Big C Thăng Long, các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào.

 

Đại diện của siêu thị này cho biết, sau Tết luôn là thời điểm lượng mua tăng đột biến bởi sau kỳ nghỉ lễ, người lao động phải quay trở lại làm việc nên mua thực phẩm để sử dụng cho nhiều ngày là thói quen của nhiều bà nội trợ. Đáng chú ý, đây lại là thời điểm học sinh, sinh viên được nghỉ học do dịch virus corona khiến nhu cầu mua thực phẩm tích trữ cũng tăng lên.

 

Theo số liệu của một số nhà cung cấp lớn, hiện nguồn dự trữ những mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đều tăng từ 30-50%.

 

Chẳng hạn, Vinmart có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung gạo tăng 50%, thịt lợn tăng 30%, thịt gà 30%, các loại như thịt bò, hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ quả, dầu ăn đều tăng khoảng 40%.

 

Đại diện Co.op Mart Hà Nội cũng cho biết lượng hàng mua tăng 15-20% so với cùng kỳ, vì vậy lượng hàng dự trữ của siêu thị cũng tăng 40-50% để đảm bảo cung ứng. Ngoài nguồn hàng dự trữ trong kho, siêu thị cũng làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng.

 

Đại diện cho Vụ Thị trường trong nước, Vụ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, người dân có thể yên tâm về nguồn cung các mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có thực phẩm, lương thực đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

 

Giá thực tế thế nào?

 

Bên cạnh việc chuẩn bị đủ nguồn cung về thực phẩm thiết yếu phục vụ người tiêu dùng như rau, củ, quả..., các nhà cung cấp còn cam kết không tăng giá các mặt hàng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rau xanh và thịt tươi sống được quan tâm và mua nhiều hơn. Hiện, mặt hàng rau xanh giá tăng nhẹ khoảng 5%.

 

Lý giải về việc tăng giá này, đại diện của một siêu thị cho biết, thời gian qua, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả tại hệ thống siêu thị Vinmart khu vực phía Bắc có thời điểm bị gián đoạn do trong Tết có xảy ra hiện tượng mưa đá, ảnh hưởng khiến rau quả bị hư hỏng, chết nhiều nên có phần bị hạn chế.

 

Bên cạnh đó, dù khẳng định đủ nguồn cung cho người tiêu dùng nhưng thực tế vào giờ cao điểm mua sắm vẫn có tình trạng hầu hết các kệ hàng rau, củ của một vài siêu thị trống không.

 

Trong khi đó, khảo sát tại các chợ truyền thống tại Hà Nội cho thấy giá cả các mặt hàng rau quả đang tăng đột biến. Cụ thể, tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), rau muống mớ nhỏ được với giá 15.000 - 25.000 đồng/mớ, mớ to được bán với giá 30.000 đồng; cải cúc 10.000 đồng/mớ, cà chua được bán với giá 60.000 đồng/kg, cải chíp 45.000 - 55.000 đồng/kg...

 

Thời điểm trước Tết, giá cải cúc chỉ có 3.500 đồng/mớ, cải chíp 34.000 đồng/kg, cải bó xôi 40.000 đồng/kg... Ngay cả mặt hàng chanh tươi, nếu như trước Tết chỉ 3.000 đồng/quả thì nay là 5.000 đồng/quả. Giá các loại rau thơm, xà lách cũng đội lên gấp 2 - 3 lần so với trước Tết.

 

Cùng đó, giá thực phẩm tươi sống như thịt gà, hải sản đều tăng. Thịt gà ta làm sẵn loại ngon có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg; thịt bò 300.000 - 320.000 đồng/kg; cá chép, cá trắm cỏ có giá bán từ 65.000 - 80.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng từ 5 - 10% so với trước Tết Nguyên đán.

 

Bên cạnh thực phẩm, các mặt hàng liên quan đến phòng dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay... cũng được người tiêu đùng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị, những mặt hàng này hiện nay đều được thông báo đã hết hàng.

 

Có ý kiến cho rằng, việc giá rau xanh tăng mạnh do nguồn cung giảm là phù hợp với quy luật của thị trường, giá rau sẽ sớm ổn định trở lại, bởi thời gian gối vụ các loại rau ăn lá rất ngắn. Do đó, để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ, người tiêu dùng không nên mua hàng dự trữ, hơn nữa việc rau củ để lâu ngày sẽ không đảm bảo chất lượng.

 

Theo Thời Báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang