Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:38:08 GMT+7

Tin đăng lúc 06-01-2019

Lượt xem: 4665

Thị trường trong nước năm 2018: Công tác điều hành hiệu quả, linh hoạt

Năm 2018, thương mại nội địa tăng trưởng 12%, cao hơn 2% so với Quốc hội giao nhưng CPI giữ ổn định ở mức dưới 4%; đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Thị trường trong nước năm 2018: Công tác điều hành hiệu quả, linh hoạt
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ đã tạo đầu ra ổn định cho quả vải thiều

Tăng trưởng ở mức cao

 

Trong những năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2006 - 2010, mức tăng bình quân 16,1%/năm; giai đoạn 2011 - 2015, tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016 – 2018, dự kiến tăng 10,55%/năm. 11 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 3.999.874 tỷ đồng, tăng 11,53% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2018 tăng khoảng 12,1% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra và vượt mục tiêu Quốc hội giao (tăng khoảng 10%).


Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khẳng định, sức tăng trưởng thương mại trong nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Giai đoạn năm 2006 - 2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế, nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước vào GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội (đứng thứ ba sau ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo).

 

Để đạt kết quả đó, nhằm kích cầu tiêu dùng, trong năm qua, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm... Đơn cử, Hội nghị Kết nối tiêu thụ dưa hấu và các mặt hàng nông sản trong và ngoài nước tại tỉnh Quảng Ngãi, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản năm 2018... Các hội nghị được tổ chức thành công, gắn kết nhà phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước với doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân sản xuất nông sản, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa nông sản như các năm trước.

 

Từ các hội nghị kết nối, Bộ Công Thương đã phối hợp và hỗ trợ địa phương trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản như đối với quả vải của tỉnh Bắc Giang, quả nhãn của tỉnh Hưng Yên, quả xoài của tỉnh An Giang, quả thanh long của tỉnh Bình Thuận... Nhiều mặt hàng đã được các doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh không chỉ phân phối, tiêu thụ thị trường nội địa mà còn chọn lựa để xuất khẩu ra nước ngoài như Satra, Saigon Coop và thông qua các doanh nghiệp FDI như Metro, BigC, Lotte… Việc đưa hàng hóa vào siêu thị góp phần ổn định cung - cầu, sản xuất và thị trường.

 

Điểm sáng trong điều hành giá

 

Cùng với việc duy trì ổn định và tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, công tác điều hành giá cũng được đánh giá là thực hiện thành công trong năm 2018. Đặc biệt, hoạt động điều hành giá xăng dầu - mặt hàng được đánh giá là có tác động lớn đến nền kinh tế và chỉ số CPI.

 

Năm 2018, đã có hơn 20 lần giá xăng dầu được điều chỉnh; trong đó, phần lớn ổn định giá, không tăng sốc. Đáng chú ý, thời điểm tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhưng giá trong nước chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, để giữ được những lần bình ổn, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định ngừng trích tiền xăng vào quỹ và tiếp tục trích quỹ để bù giá.

 

Việc điều tiết thị trường để ổn giá thịt lợn cũng là một trong những điểm sáng trong công tác điều hành giá. Cụ thể, tháng 8/2018, giá thịt lợn trong nước tăng sốc do thiếu hụt nguồn cung. Thậm chí, đã có thời điểm, giá thịt lợn nước ta cao nhất thế giới. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã cho nhập khẩu thịt lợn, làm việc với các doanh nghiệp chế biến, phân phối trong nước, đề nghị ổn định giá thịt lợn. Ngoài ra, liên tục truyền thông để bà con nông dân không ồ ạt tái đàn khi giá lên cao.

 

Nhờ nỗ lực cao trong điều tiết giá thị trường, dù năm nay, CPI có diễn biến bất thường khi đột nhiên tăng vào các tháng 4,5,6 - không phải theo quy luật hàng năm - nhưng đến cuối năm, vẫn bảo đảm đạt con số Quốc hội giao (tăng không quá 4% so với cùng kỳ năm trước).

 

Thị trường tăng trưởng nhưng CPI tăng không quá cao, thương mại nội địa không những đóng góp tích cực cho tăng trưởng mà còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà cho mục tiêu năm 2019.

 

Năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá - đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang