Thứ Sáu, 29/03/2024 17:01:35 GMT+7

Tin đăng lúc 12-10-2018

Lượt xem: 1197

Thị trường xuất khẩu cuối năm của Tp. Hồ Chí Minh: Nhiều tín hiệu lạc quan

Đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của nhiều lĩnh vực sản xuất mũi nhọn trong nước có nhiều tín hiệu khả quan, dự kiến đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) TP Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này.
Thị trường xuất khẩu cuối năm của Tp. Hồ Chí Minh: Nhiều tín hiệu lạc quan
Nhiều DN xuất khẩu đặt kỳ vọng ở những tháng cuối năm. Trong ảnh: Công nhân gia công giày dép tại Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's).

Thời điểm hiện tại, các DN xuất khẩu gạo nhận được nhiều tin vui. Tại Phi-li-pin, quốc gia này đang có nhu cầu nhập khẩu thêm 500 nghìn đến 800 nghìn tấn gạo bổ sung kho dự trữ và ổn định giá gạo trong nước. Thị trường các nước khác như In-đô-nê-xi-a hay một số nước châu Phi... cũng có nhu cầu nhập khẩu ở những tháng cuối năm, nhằm đối phó với tình hình sản xuất suy giảm do bão lũ. Riêng tại thị trường Trung Quốc, nhiều thương nhân đang xúc tiến làm việc trực tiếp với các đối tác DN Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu gạo lâu dài. Chủ cơ sở Hoàng Long Lý Xuân Nghị (quận 8) chuyên thu mua nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi: “Năm nay nông dân trồng gạo trúng mùa bội thu, giá cả ổn định, vì DN xuất khẩu đã ký kết được những hợp đồng lớn, dài hạn. Dự kiến từ đây đến cuối năm, tình hình sẽ tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc”.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi từ tháng 8-2018 và tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 8%, đạt 847 triệu USD trong tháng 9. Hiện, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các DN chế biến xuất khẩu thủy sản, kết thúc quý III cũng là thời điểm đẩy mạnh thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu phục vụ cho dịp lễ, Tết ở các thị trường nhập khẩu. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm, giá tôm sẽ có xu hướng hồi phục nhẹ sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp. Thời điểm cuối năm cũng là lúc DN dệt may đang chạy nước rút cho kịp đơn hàng của đối tác nước ngoài. Doanh thu xuất khẩu ngành này đạt mốc 19,4 tỷ USD tám tháng đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hồng Hà (quận Bình Tân) Trần Đăng Nguyên, chia sẻ: “Năm nay chúng tôi có rất nhiều tín hiệu tốt từ thị trường tại Nhật Bản. Đó là một thị trường đòi hỏi chất lượng cao, nhưng chúng tôi đã chinh phục được họ bằng chất lượng, niềm tin để có được đơn hàng gia công với số lượng lớn. Công ty đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn với đối tác. Một tín hiệu lạc quan khác là chúng tôi cũng đã có đơn hàng với Nhật Bản tới tận quý I-2019”.

 

Riêng ngành da giày tại TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại. Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch Hội Da giày thành phố Nguyễn Văn Khánh, cho rằng: DN sản xuất rất khó tìm ra khu vực cho phép đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu da giày tại thành phố. Trong khi đó, nhiều địa phương đã có những khu quy hoạch với hạ tầng tiếp nhận và xử lý môi trường an toàn, bảo đảm để DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư này. Đây là lý do chính khiến nhiều DN di dời khỏi TP Hồ Chí Minh và lựa chọn các tỉnh, thành phố khác là địa điểm đầu tư, kéo theo tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành tại thành phố chững lại hoặc sụt giảm.

 

Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TP Hồ Chí Minh (Amcham HCM) Mắc Gi-lin gợi ý các DN nhỏ và vừa trong nước, nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và thị trường Mỹ nói riêng thì nên trở thành nhà cung ứng đủ điều kiện đối với các công ty Mỹ và toàn cầu, phải đăng ký để có mã số DUNS (công cụ nhận dạng toàn cầu cho các DN). Mã số này không chỉ giúp các đối tác quốc tế, mà cả người tiêu dùng ở thị trường Mỹ hay các quốc gia khác dễ dàng tiếp cận, tin cậy vào thông tin chất lượng sản phẩm của DN Việt. Đồng thời giúp giao thương toàn cầu được thuận lợi hơn. Đó là tiêu chuẩn toàn cầu để xác minh DN cho các giao thương trực tiếp và gián tiếp.

 

Theo Sở Công thương thành phố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố tám tháng đầu năm 2018 ước đạt 55,34 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,66 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu loại trừ dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,97 tỷ USD, tăng 16,2%, còn kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30,68 tỷ USD, tăng 9,6% so cùng kỳ năm 2017. Đánh giá về tiềm năng phát triển của DN xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Phương Đông cho biết: Cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường là rất lớn. Vì Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) dự kiến có hiệu lực năm 2019… với lộ trình miễn thuế xuống 0%. Đây chính là cơ hội để DN tiếp cận sâu rộng hơn với những thị trường này. “Dự báo trong quý IV-2018, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa đông có giá trị cao và phục vụ các dịp lễ, Tết. Sự phục hồi của đồng USD cũng ảnh hưởng tích cực tới thương mại quốc tế, hàng hóa Việt Nam rẻ tương đối, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn phổ biến của tình hình xuất khẩu hiện nay là các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, khiến sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Phương Đông đánh giá.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang