Thứ Năm, 28/03/2024 21:49:36 GMT+7

Tin đăng lúc 03-04-2018

Lượt xem: 2112

Thu hút FDI quý I/2018: Dòng vốn giảm nhưng đi vào chất

Mặc dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý I vào Việt Nam có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên dòng vốn đã đi vào chất hơn.
Thu hút FDI quý I/2018: Dòng vốn giảm nhưng đi vào chất
Dự án nhà máy LG Innotek là một trong những dự án tăng vốn đầu tư lớn nhất trong quý I/2018.

Minh chứng cho điều này phải kể đến các con số đáng ghi nhận như tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp FDI là 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Những con số này đã nâng tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt con số 320 tỷ USD, với 25.339 dự án luỹ kế đến tháng 3/2018.

 

Nhiều dự án tăng vốn “khủng”

 

Trong đó, đã có các dự án mở rộng vốn đầu tư lớn của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đó là LG. LG đã đăng ký tăng thêm 501 triệu USD vốn đầu tư vào nhà máy LG Innotek Hải Phòng.

 

Dự án LG Innotek được cấp chứng nhận đầu tư từ tháng 9/2016, với mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư đạt 550 triệu USD. Với việc tăng vốn lần này, LG Innotek đã có tổng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, đưa cả 3 dự án mà LG đầu tư tại Việt Nam đều có quy mô vốn trên 1 tỷ USD. Hai dự án còn lại, LG Display và LG Electronics đều có vốn đăng ký 1,5 tỷ USD.

 

Ngoài ra, cũng phải kể đến dự án tăng vốn thêm 260 triệu USD của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng được cấp phép ngày 20/3/2014 với mục tiêu sản xuất giày và quần  áo thể thao. Bên cạnh đó là dự án tăng thêm 120 triệu USD của Công ty TNHH Kefico Việt Nam nhằm sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương.

 

Nhìn vào những dự án tăng vốn đầu tư có thể thấy, đây đều là những lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng những lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

 

Có được điều này phải kể đến chỉ số niềm tin về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng lên đáng kể theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI. Trong đó, phải kể đến tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2%, tăng nhẹ so với 11% năm 2016. Thêm nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cũng đã tăng từ 50% lên 60%. Đây là mức độ lạc quan nhất kể từ năm 2011.

 

M&A tiếp tục bùng bổ

 

Bên cạnh dòng vốn vẫn đang không ngừng gia tăng, một kênh huy động vốn trực tiếp cũng hết sức hiệu quả và là “tiền tươi, thóc thật” như GS. TSKH Nguyễn Mại từng nhận định đó là hoạt động vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần lại tăng rất mạnh.

 

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, có 732 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước nhưng không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.

 

Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi các công ty Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới thị trường Đông Nam Á trong đó có Indonesia, Philippines và Việt Nam.

 

Ông Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Tập đoàn Nomura (Singapore) nhận định: “Làn sóng M&A ở Đông Nam Á sẽ gia tăng đáng kể trong năm nay. Một yếu tố quan trọng là, so với khu vực Đông Bắc Á, các quốc gia ở Đông Nam Á đã ban hành nhiều chính sách cải cách kinh tế, ví như mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là động thái tích cực cho các hoạt động M&A”.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng của bức tranh thu hút FDI quý I/2018, có một mảng màu tối mà khiến nhiều người quan tâm đến dòng vốn FDI không khỏi lo lắng đó là số vốn luỹ kế tính đến tháng 3 giảm so với số vốn luỹ kế tháng 2. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài đây là sự suy giảm mang tính khách quan và kỹ thuật. Cụ thể, do quý I/2018 ghi nhận 3 dự án “khủng” nhà máy lọc hoá dầu Vũng Rô tại Phú Yên đã chấm dứt hợp đồng đầu tư.

 

Nguồn Enternews.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang