Thứ Năm, 25/04/2024 15:24:37 GMT+7

Tin đăng lúc 04-05-2018

Lượt xem: 2973

Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

Chiều 3/5, sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, thông báo các nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận trong phiên họp. 
Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá kinh tế - xã hội đạt kết quả toàn diện

Kinh tế - xã hội đạt kết quả toàn diện

 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đánh giá, trong 4 tháng đầu năm, nhờ thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ nên kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục có xu hướng tích cực và toàn diện, tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin thị trường, của nhà đầu tư và nhân dân.

 

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân 4 tháng tăng 2,80% so với cùng kỳ.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,4% cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 12,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,8%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ là 7,0%).

 

Bên cạnh đó, trong 4 tháng, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đà phát triển với tổng kim ngạch đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 26,3%, chiếm khoảng 83,3%. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Xuất siêu đạt 3,39 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

 

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có trên 41 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về vốn so với cùng kỳ.

 

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, cải cách hành chính có tiến bộ, đã rà soát cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực: Công Thương, Y tế, Giao thông vận tải, Xây dựng... 

 

Thủ tướng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

 

Theo Người phát Chính phủ, tại phiên họp hôm nay, dù đánh giá cao tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương với việc ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc công việc được giao, tuy nhiên Thủ tướng cũng nêu ra hàng loạt tồn tại, bất cập, như: kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước thấp, thu hút đầu tư chậm, nhất là FDI trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới đang tận dụng mọi cơ hội để kêu gọi đầu tư, thay đổi quyết liệt về công nghệ để tăng sức cạnh tranh.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng phân tích, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những việc cần điều chỉnh, điển hình như chỉ số tham gia thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ ở mức 123/190 quốc gia, xử lý phá sản doanh nghiệp chỉ ở mức 129.

 

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại; có nhiều khoản phí, lệ phí còn cao, nhất là chi phí logistics và kiểm tra chuyên ngành… và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có giải pháp căn cơ, toàn diện để giải quyết các nút thắt này.

 

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc xây dựng các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. “Thủ tướng thẳng thắn phê bình tình trạng chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật trình Quốc hội còn chậm và chưa đảm bảo chất lượng” – Ông Dũng nói và cho biết thêm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp và lãnh đạo các Bộ, ngành cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm và có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng này.

 

 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cần cân nhắc thận trọng trước đề nghị dừng bán xăng RON 95

 

Cân nhắc thận trọng trước đề xuất dừng bán xăng RON 95

 

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí đề nghị cho biết ý kiến của Bộ Công Thương liên quan đến đề xuất dừng bán xăng RON 95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từ ngày 01/1/2018 dừng bán xăng RON 92 để thay thế bằng xăng E5 RON 92 bán đại trà trên toàn quốc thì hiện trên thị trường chỉ còn 2 loại là xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 và từ ngày 23/4/2018, liên Bộ Công Thương, Tài chính đã đưa xăng RON 95 vào tính giá cơ sở như một loại xăng phổ biến trên thị trường.

 

Trước ý kiến đề nghị dừng bán xăng RON 95 của các đầu mối kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Hải cho rằng, cần xem xét kỹ lượng nhiều yếu tố trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, trước hết cần tính toán xem nếu bán xăng RON 95 để thay thế bằng xăng E5 RON 95 thì có đủ nguồn cung hay không và có đảm bảo giá thành cạnh tranh hay không trong khi hiện cả nước chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp ethanol là Công ty TNHH Tùng Lâm.

 

“Hiện chúng ta cũng đã cho phép nhập khẩu ethanol chứ không chỉ giới hạn nguồn cung trong nước, tuy nhiên, cần có tính toán chi tiết, thận trọng để vừa khuyến khích sản xuất trong nước, tạo công ăn, việc làm cho nông dân trồng cây nguyên liệu sản xuất ethanol, đồng thời, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói và cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới. 

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang