Thứ Bẩy, 20/04/2024 22:38:53 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2017

Lượt xem: 2904

Thủ tướng: Chính quyền không chỉ đạo mà đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp

Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gì mà đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý, thủ tục, dịch vụ công...
Thủ tướng: Chính quyền không chỉ đạo mà đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp
Về tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng nêu rõ nhất thiết phải đặt trong tầm nhìn phát triển tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng 28/9, tại thành phố Vị Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị.

 

Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện các tổ chức quốc tế và đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế hệ thống sông ngòi dày đặc, tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án chế biến để giải quyết nguồn nguyên liệu dồi dào như lúa gạo, thủy sản, mía đường, dứa, trái cây. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư khai thác vùng đất viên lang bãi bồi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích khoảng 5.200ha.

 

Hạ tầng của tỉnh khá đồng bộ, cách thị trường lớn là Cần Thơ - trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ 40km. Ưu thế khác của tỉnh là các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thủy, bộ thuận tiện, lao động dồi dào. Tỉnh cũng có dịch vụ cảng và logistic tại chỗ với cầu cảng 20.000 DWT thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang vừa được đưa vào sử dụng.

 

Theo đánh giá của những nhà đầu tư đã đầu tư tại Hậu Giang, cùng với các chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp bỏ vốn, thì chính quyền tỉnh có sự cầu thị, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp. Tại hội nghị này, lãnh đạo Hậu Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

 

Những lĩnh vực tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư là đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản, đầu tư các nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản; đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án sử dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ và liên kết xây dựng các tuyến du lịch kết nối với các tỉnh thành trong cả nước.

 

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá Hậu Giang có lợi thế lớn với nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, sản lượng cây ăn quả lớn; lúa chất lượng cao có thương hiệu. Lao động của tỉnh dồi dào, trẻ, cần cù. Hạ tầng giao thông được kết nối thuận lợi. Từ phát biểu của các doanh nghiệp tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư có niềm tin vào lãnh đạo tỉnh, và đây cũng là lợi thế thu hút đầu tư.

 

Về định hướng phát triển của tỉnh gắn với thu hút đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải có tầm nhìn phát triển đặt trong quy hoạch của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng chỉ cần một quy hoạch duy nhất, trên cơ sở đó, Hậu Giang và các tỉnh khác có sự phân công lao động, sản xuất dựa trên thế mạnh của mình. 

 

Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Hậu Giang phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo đó cần phá bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nhất là khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp. Các cấp chính quyền phải cầu thị, lắng nghe, xử lý các vướng mắc cho nhà đầu tư nhanh nhất.

 

“Chính quyền không chỉ đạo doanh nghiệp phải sản xuất sản phẩm gì mà cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường pháp lý, về thủ tục, về thông tin, về dịch vụ công, về tiếp cận thị trường để doanh nghiệp họ tự quyết định và thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Đấy là cách tiếp cận kiến tạo, phát triển nhằm phát huy tính sáng tạo của thị trường, của nhà đầu tư. Chính phủ cũng như chính quyền các cấp không yêu cầu sản xuất sản phẩm nào mà chúng tôi cung cấp thông tin, dịch vụ công cho nhà đầu tư để nhà đầu tư quyết định làm sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế”, Thủ tướng nêu rõ.  

 

Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh nâng cao chất lượng phản hồi thông tin của doanh nghiệp. Những vấn đề doanh nghiệp và người dân nêu ra thì phải xử lý kịp thời, thể hiện chính quyền gắn bó với dân.

 

Cho rằng thực trạng phát triển doanh nghiệp của Hậu Giang còn yếu, khoảng 400 người dân mới có một doanh nghiệp, thấp hơn 3 lần so với mức bình quân cả nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp. Cùng với đó là có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu của nhà đầu tư.

 

“Chúng ta có nguồn nhân lực rất dồi dào trong độ tuổi lao động cao hơn mức bình quân của đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng đào tạo có nghề nghiệp, có nhu cầu cho các doanh nghiệp, cho sự phát triển thì đây là khâu yếu. Chính vì vậy tỉnh muốn thu hút để phát triển cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đào tạo, nhất là lao động nông thôn, chuyển đổi hiệu quả lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp đóng góp 27% GDP của tỉnh nhưng lao động nông nghiệp chiếm đến trên 70% toàn tỉnh, số lượng lao động nông thôn ở Hậu Giang còn quá lớn và cần chuyển đổi mạnh cơ cấu này”, Thủ tướng đề nghị.

 

 

Thủ tướng chứng kiến đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang ký thỏa thuận hợp tác

 

Nhấn mạnh việc phát triển và thu hút đầu tư phải đảm bảo phát triển bền vững, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, Thủ tướng yêu cầu hạn chế tối đa điện than, nhất là những công nghệ lạc hậu, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

 

Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững tại Hậu Giang. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải đề cao việc bảo vệ môi trường. Cùng với đó là kịp thời phối hợp, định kỳ làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc.

 

Thông tin đến các nhà đầu tư về việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và năm nay sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Nghị quyết Quốc hội giao, Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Điều này thể hiện qua việc Chính phủ nỗ lực chỉ đạo giảm các chi phí cho doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy hội nhập vào khu vực và thế giới.

 

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao các các chủ trương đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác./.

 

Nguồn VOV

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang