Thứ Năm, 28/03/2024 16:09:17 GMT+7

Tin đăng lúc 03-05-2019

Lượt xem: 1821

Thủ tướng nêu các ‘từ khóa’ kích hoạt kinh tế tư nhân

Trước khoảng 2.500 doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra thông điệp, cũng là các từ khóa, 10 chữ đối với khu vực kinh tế tư nhân, là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.
Thủ tướng nêu các ‘từ khóa’ kích hoạt kinh tế tư nhân

Thủ tướng cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nhất là, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.
 

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau từ sâm Ngọc Linh đến tôm công nghệ cao, ngành gỗ, ngành lúa gạo, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô… Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói.

 

Diễn đàn hôm nay là một cơ hội để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban Đảng, các cơ quan Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các góp ý, phản biện của khu vực tư nhân nhằm phục vụ cho công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII. Để làm rõ hơn về định hướng này, Thủ tướng nêu một số vấn đề có tính gợi mở cho việc thảo luận, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật” như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã nêu.

 

Thủ tướng đặt ra 2 nhóm vấn đề

 

Theo Thủ tướng, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội?

 

Đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công. Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội. 20-30 năm trước đây thì vốn và máy móc có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Ở thời điểm này và những thập kỷ tới đây, con người và đổi mới sáng tạo mới là yếu tố trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội.


 

Lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta cũng cho thấy nếu tính tổng các nguồn lực thì Việt Nam đều thua xa các đối thủ ở những cuộc chiến trong quá khứ. Thế nhưng, chúng ta đã luôn chiến thắng nhờ sử dụng tài tình, sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực và điểm mạnh của mình.

 

Nhóm câu hỏi thứ hai, Thủ tướng nêu rõ, là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao?

 

Cần những giải pháp đột phá nào, cơ chế hợp tác công-tư thế nào trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như du lịch, dịch vụ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh mới, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp…

 

“Còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Các vị là những người lăn lộn thực tế, thấy rõ cơ hội, thấy rõ nút thắt của doanh nghiệp, của đất nước. Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị”, Thủ tướng bày tỏ.  

 

Tinh thần doanh nhân

 

Phát biểu trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp, với 3 nội dung quan trọng.

 

Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý được gọi tổng quát là cách tân, một tố chất quan trọng của nhà doanh nghiệp.

 

Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta. 

 

Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước. Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh- đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước của chúng ta sáng chói trên vũ đài quốc tế. Các nhà doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc.

 

Thủ tướng cho rằng, như tại mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân.

 

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam. “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”. 

 

Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác.

 

Trên cương vị là người đứng đầu Tiểu ban kinh tế-xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra vào năm 2021, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe những tham vấn có trách nhiệm từ khu vực tư nhân, để từ đó, “chúng ta sẽ chắt lọc được nhiều ý tưởng tinh túy để tiếp thu thỏa đáng vào các hoạch định nội dung chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn tới”.

 

 

Thủ tướng đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp


Các “từ khóa” cho khu vực tư nhân

 

Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng bắt đầu phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp.

 

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là Chính phủ, Thủ tướng có quyết sách gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.

 

Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

 

Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

 

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

 

Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

 

“Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

 

 

Thủ tướng tham quan triển lãm của các doanh nghiệp tư nhân 


Khu vực tư nhân đề xuất Chính phủ cần có độ mở, cả về niềm tin, hỗ trợ để khuyến khích tiềm năng rất lớn trong việc thích ứng và nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0. Vậy, trong những năm tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết sách nào để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

 

Trước câu hỏi này, Thủ tướng trả lời, “đối với nền kinh tế của Việt Nam, chúng ta có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công”. Nền kinh tế của chúng ta đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

 

Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt, công nghiệp thông tin truyền thông, mở ra một ngành mới, xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo…, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.

 

Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.

 

Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

 

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang