Thứ Sáu, 26/04/2024 00:30:47 GMT+7

Tin đăng lúc 18-11-2015

Lượt xem: 4236

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quốc hội và cử tri quan tâm

Sáng nay (18/11), sau phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quốc hội và cử tri quan tâm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%

 

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội đến tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Đầu kỳ họp Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2015. Trong tháng 10-11/2015, tình hình kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định; CPI tháng 10-11/2015 tăng khoảng 0,1-0,2%, tính chung 11 tháng tăng khoảng 0,6-0,7%; dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 14-15%, cả năm tăng trên 17%...

 

Mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định, xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD tăng 8,5%; vốn FDI thực hiện đạt 13,2 tỷ tăng 17,9%, vốn ODA giải ngân đạt 4,4 tỷ USD, thu ngân sách ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách ước đạt 88,4% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ

 

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 9,6%, cùng kỳ tăng 7,5%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%, cùng kỳ tăng 8,6%. Khu vực nông nghiệp tuy tăng thấp hơn cùng kỳ nhưng tiếp tục phát triển.

 

Gần 78.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia thành lập mới, tăng 27,9% về số lượng và 36,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Khoảng 18,5 ngàn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 33,7%. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, tăng 2,8% so với cùng kỳ. “Trong những tháng tới Chính phủ sẽ nỗ lực, tập trung chỉ đạo để quyết tâm đạt được mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015. Trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Phát huy hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

 

Làm rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện theo đề nghị của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Đây là vấn đề có phạm vi rộng, nên "chỉ xin nhấn mạnh một số nội dung": Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Đồng thời, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Để thực hiện các nội dung nêu trên, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung triển khai thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, thi hành hiến pháp và ban hành các văn bản chi tiếp hướng dẫn thi hành. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi. Đồng thời rà soát điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Phát triển đồng bộ các loại thị trường hàng hóa dịch vụ, tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ theo hướng hiện đại, chú trọng các thị trường mới như mua bán nợ, công cụ tài chính phái sinh, cho thuê tài sản. 

 

Chủ động mở cửa thị trường phù hợp cam kết quốc tế, gắn với nâng cao năng suất, đa dạng hóa nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Huy động, phân bổ nguồn lực trong sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường... Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu thu chi và kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ xấu nhằm đảm bảo an toàn tài chính.

 

Đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu phù hợp, tăng cường quản lý thị trường giá cả. Thực hiện nhất quán cơ chế thị trường với tất cả các hàng hóa dịch vụ, riêng với dịch vụ công thiết yếu, y tế giáo dục sẽ thực hiện theo cơ chế giá thị trường, tính đúng tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá, song vẫn hỗ trợ đối tượng chính sách, đồng bào nghèo.

 

Đẩy mạnh cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập và cung cấp dịch vụ công, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập sang dân lập; huy động hiệu quả nguồn lực xã hội và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ công; đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

 

Nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi, quản lý điều hành kinh tế, phù hợp điều tiết với kinh tế thị trường, đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp và tự do kinh doanh, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế xã hội và nguồn lực, thực hiện tốt chính sách phát triển văn hóa, y tế giáo dục và giảm nghèo, quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Quyết liệt thực hiện giảm nghèo đa chiều

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thực hiện các nhiệm vụ thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc khi khẳng định Việt Nam là điểm sáng thực hiện giảm nghèo, trong khi đây là mục tiêu còn thách thức lớn của toàn cầu… Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là mục tiêu của phát triển bền vững được nhân dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2015. Riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. Nhìn lại 20 năm, nước ta có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng đánh giá cao.

 

Thủ tướng cũng cho rằng vấn đề xác định chuẩn nghèo đơn chiều chỉ dựa vào thu nhập đã bộc lộ hạn chế, việc phân loại đánh giá xác định đối tượng nghèo thiếu tính tổng thể toàn diện. Do đó, để khắc phục nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo áp dụng phương pháp nghèo đa chiều, không chỉ trên cơ sở tiêu chí thu nhập mà còn tiêu chí tiếp cận nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu. Đây cũng là phương pháp phù hợp với chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc vì sự phát triển bền vững. “Sẽ sớm ban hành chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2016-2020” -  Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Theo đó với chuẩn nghèo đa chiều, tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay khoảng 12%, hộ cận nghèo 6%. Dự kiến ngân sách với hộ nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015. Chính phủ sẽ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị điều kiện thực hiện trong năm 2016 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 -2020 vừa được Quốc hội thông qua. 

 

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế giáo dục, phát triển ngành nghề khuyến nông, khuyến lâm, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nguồn nhân lực cho xã nghèo.

 

Theo Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang