Thứ Bẩy, 20/04/2024 10:36:40 GMT+7

Tin đăng lúc 29-09-2018

Lượt xem: 1383

THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC: Cần “trách nhiệm kép” trong giải quyết các thách thức toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay cần sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Do đó, cần "trách nhiệm kép", mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC: Cần “trách nhiệm kép” trong giải quyết các thách thức toàn cầu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ nhân chuyến tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 73.

Đó là những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 hôm 27.9 (rạng sáng ngày 28.9 theo giờ Việt Nam).

 

Tư duy cường quyền đe dọa hòa bình, ổn định quốc tế

 

Phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 hôm 27.9 (rạng sáng ngày 28.9 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngày nay, Liên Hợp Quốc đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.

 

Trong hơn 70 năm qua, Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc. Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông.

 

Với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội mới nhưng thế giới cũng đang đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn.

 

“Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định; tác động lan rộng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; đói nghèo vẫn là một thách thức to lớn...” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 

Theo Thủ tướng, không một quốc gia nào, dù là cường quốc giàu mạnh, đủ sức giải quyết những thách thức toàn cầu to lớn hiện nay mà đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia. “Tôi đề nghị vấn đề "trách nhiệm kép", mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Trong kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý có hiệu quả các thách thức toàn cầu, Thủ tướng mong muốn, “các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững”.

 

Ông cũng nhấn mạnh, hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. “Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình và thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình” - Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người. 

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ. 

 

Tìm ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam phát triển

 

Bên lề phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm trao đổi với đại diện nhiều tập đoàn, trong đó có các tập đoàn thuộc top 500 Fortune của Mỹ như: Walmart, Amazon, HSBC…

 

Thủ tướng bày tỏ, nếu các nhà đầu tư hồi hộp trước diễn biến trên sàn chứng khoán New York thuộc hàng lớn nhất toàn cầu thì “chúng tôi cũng hồi hộp muốn biết các bạn muốn làm ăn gì, mở rộng như thế nào ở Việt Nam”.

 

Không chỉ khẳng định sẵn sàng lắng nghe những nguyện vọng, phản ánh của các doanh nghiệp Mỹ, cũng như sẵn sàng giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của các nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn gợi ý để các nhà đầu tư nêu ý kiến về những điều các nhà đầu tư cho là chính phủ cần điều chỉnh để họ nhanh chóng thực hiện kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

 

Nhấn mạnh đến ý tưởng và sáng kiến - những yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Trong số các bạn, ai có ý tưởng gì đột phá cho Việt Nam phát triển trong bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, có thể là ý tưởng 4.0 trong ngành tài chính, giáo dục, y tế hay nông nghiệp. “Quan trọng là cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực” - Thủ tướng nói.

 

Kêu gọi các các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ muốn các nhà đầu tư chia sẻ ngắn gọn quan điểm về phương thức và những gì Chính phủ Việt Nam có thể làm để cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự đem lại lợi ích và khả năng tạo ra bước phát triển đột phá cho Việt Nam hơn là bị đe dọa về việc làm và nguy cơ bị tụt lại phía sau…

 

Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư Mỹ đều bày tỏ lạc quan về cơ hội và triển vọng đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Ông Bernerd De Santos - Phó Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn AES - một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu, cho biết, tập đoàn mong muốn tham gia vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam. “AES đã đầu tư ở Việt Nam 10 năm trước trong lĩnh vực phát điện với tổng vốn đầu tư là 2 tỉ USD. Tập đoàn nhận thấy có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí và khí hóa lỏng”  - ông Bernerd De Santos nói.

 

Đại diện tập đoàn GE Global mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng Việt Nam đẩy nhanh việc ra các quyết sách hơn nữa, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Medlife mong Chính phủ tiếp tục cải cách các doanh nghiệp nhà nước, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. Một số tập đoàn khác bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực chính phủ điện tử, cải thiện việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu…

 

Theo báo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang