Thứ Sáu, 29/03/2024 18:32:40 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2017

Lượt xem: 4728

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém

Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ). Tuy nhiên, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV ngày 23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm.

 

Đặc biệt, nợ công vẫn còn cao, việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp.

 

“Chúng ta liên tiếp phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế...” – Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận.

 

Thủ tướng cũng cho rằng, nhiều cơ chế, chính sách tại Việt Nam còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra.

 

Về chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp, theo Thủ tướng lĩnh vực này chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; số doanh nghiệp tham gia còn ít, quy mô nhỏ.

 

Đặc biệt, tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả. Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp. Còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn.

 

Đau lòng hơn, vẫn còn tồn tại những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình. Vẫn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, đuối nước. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng còn bất cập; chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa tin xấu, độc; còn nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí.

 

Cùng với đó, tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng. Việc giám sát, thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông. Còn xảy ra ngập, úng tại một số thành phố lớn. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống .

 

Theo Thủ tướng, việc thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Vẫn còn những yếu kém trong công tác cán bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều Bộ ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai…

 

Thủ tướng cho rằng, trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

 

“Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Minh chứng Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ”. – Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Nguồn Enternews.vn

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang