Thứ Ba, 23/04/2024 17:39:49 GMT+7

Tin đăng lúc 08-08-2019

Lượt xem: 936

Thủ tướng phát động phong trào năng suất lao động quốc gia

Tại Hội nghị về cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia, sáng 7/8, Thủ tướng đã phát động phong trào cải thiện NSLĐ quốc gia, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ.
Thủ tướng phát động phong trào năng suất lao động quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào "Năng suất lao động quốc gia"

Thấp nhưng cải thiện nhanh nhất trong khu vực

 

Thông tin về chỉ số NSLĐ của Việt Nam thua xa so với một số nước trong khu vực, chỉ cao hơn 3 nước là Lào, Campuchia và Myanmar đã “dấy” lên lo ngại, liệu NSLĐ thấp như vậy có phải do người lao động Việt Nam lười lao động, không chuyên cần? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, do xuất phát điểm của Việt Nam thấp, GDP thấp nên năng suất lao động thấp, nhưng như vậy không có nghĩa là người lao động Việt Nam lười lao động, không chuyên cần, sản xuất ra cùng một sản phẩm lâu hơn so với người lao động nước khác.

 

Theo đại diện Tổ chức UNDP, việc so sánh NSLĐ như vậy khá khập khiễng, không thể so sánh NSLĐ ở công đoạn đó hay ở Hàn Quốc, Nhật Bản với những công đoạn cao hơn. “Ngoài ra, tùy từng ngành, có ngành NSLĐ không thấp, tuy nhiên chúng ta đang tắc trong công đoạn gia công sản phẩm cuối cùng, nên NSLĐ khá thấp” – đại diện Tổ chức UNDP cho biết thêm.

 

Còn theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, GDP được tạo ra không phải chỉ bởi lao động mà còn nhiều yếu tố khác như tổng giá trị gia tăng, trong đó có giá trị gia tăng của vốn, công nghệ, lao động. Thứ 2, năng suất còn phụ thuộc sự di chuyển hiệu quả của các nguồn lực vào những ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhất. Ngoài ra, năng suất còn là vấn đề văn hóa, truyền thống, chứ không đơn thuần về kinh tế. Bởi người Việt Nam rất chăm chỉ, khéo léo nhưng tính kỷ luật lại cần xem xét.

 

Cũng thừa nhận chỉ số NSLĐ tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn. Điều này thể hiện mức tăng NSLĐ của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng NSLĐ khoảng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 5,8%.

 

Thủ tướng dẫn phân tích của IMF cho biết, tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam từ sau đổi mới đến nay cho thấy tăng trưởng TFP từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%. Trong 5 năm qua, tăng trưởng TFP luôn đạt mức trên 1,5%, mức khá cao kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

 

“Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng” - Thủ tướng khẳng định.

 

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết chỉ số GDP, cơ sở để tính NSLĐ, cũng đang chưa được tính toán đầy đủ. Do đó, sắp tới Chính phủ sẽ tính lại GDP với các khu vực chưa được quan sát hết, khi đó chỉ số năng suất sẽ cải thiện.

 

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến NSLĐ chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Đó là chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, tính cạnh tranh, tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…

 

Đây là một điểm nghẽn, ảnh hưởng đến năng suất” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nút thắt về cơ sợ hạ tầng, đất đai, tài chính, tiếp cận nguồn lực… cũng được chỉ ra là một điểm nghẽn. Bên cạnh những “nút thắt” truyền thống như thể chế, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng chỉ ra thêm một vấn điểm nghẽn nữa là đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng nền tảng và năng lực khoa học của Việt Nam chưa cao. Động cơ sáng tạo và đổi mới còn thiếu và yếu.

 

 

Tạo bứt phá mới trong năng suất lao động

 

Đánh giá tiềm lực tăng năng suất của mỗi người dân còn nhiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu chúng ta tăng gấp đôi NSLĐ, khoảng cách thu nhập và mức sống so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa. Tăng năng suất để tạo một cuộc bứt phá mới, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

 

Để thúc đẩy tăng NSLĐ, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực được huy động và tận dụng. Thứ hai, tập trung hiệu quả của thị trường lao động ở cả phía cung và cầu. Qua đó, mọi người dân đều có thể tham gia thị trường lao động, có được việc làm, phát huy được thế mạnh của mình. Thứ ba,khuyến khích cơ chế đủ mạnh thu hút những người tài năng trong và ngoài nước. Thứ tư, xây dựng một cơ chế cán bộ mở trong cơ quan Nhà nước, chọn lọc được cán bộ giỏi và người tài năng. Thứ năm, NSLĐ có tương quan chặt chẽ trình độ giáo dục, kỹ năng. Do đó, cần chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn người lao động, ưu tiên định hướng đào tạo các tài năng cá biệt, khuyến khích người tài. Thứ sáu, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới, phát huy năng lực. Trong đó, đầu tư vào công nghệ sẽ được Chính phủ ưu tiên.

 

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa cuộc họp, đề xuất Thủ tướng ra một văn bản có cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ ngành.

 

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào “Năng suất lao động quốc gia”. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và các tầng lớp hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia, tích cực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng NSLĐ, kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong NSLĐ để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững” - Thủ tướng khẳng định.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang