Thứ Sáu, 29/03/2024 15:06:12 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2016

Lượt xem: 2901

Thủ tướng ‘truyền lửa’ cho Hà Nội tuyên chiến thực phẩm bẩn

Đánh giá cao nhiều cách làm hay của Hà Nội, Thủ tướng đã chỉ đạo, nêu các định hướng cho Hà Nội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) như giao Thành phố nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh về ATTP…
Thủ tướng ‘truyền lửa’ cho Hà Nội tuyên chiến thực phẩm bẩn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội.

Sáng 27/9, ngay sau khi thị sát việc bảo đảm ATTP tại chợ Long Biên và xã chuyên sản xuất rau Văn Đức, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP.

 

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.

 

Một số cách làm hay của Hà Nội

 

Sau khi kiểm tra ở chợ Long Biên và nghe người dân nói về sản xuất rau ở xã Văn Đức cũng như nghe báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng biểu dương Hà Nội về những kết quả, nỗ lực tạo bước chuyển biến về ATTP, cả về nhận thức và hành động.

 

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo công tác ATTP do đích thân Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban. Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý ATTP theo chuỗi sản phẩm và vùng địa lý khi đây là vấn đề rất khó vì dễ nảy sinh chuyện “quyền anh, quyền tôi” hay tình trạng “sông ngăn cách trở”.

 

Nghe báo cáo của Hà Nội về việc giao phó chủ tịch cấp quận, huyện kiểm tra ATTP một lần/2 tuần, chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra một lần/tuần, còn phó chủ tịch thì kiểm tra 2 lần/tuần, Thủ tướng đánh giá cao công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát của Hà Nội vì “một chương trình lớn mà không tổ chức thanh kiểm tra tốt thì không thể thành công”. Đây là kinh nghiệm tốt cần nhân rộng ra cả nước.

 

Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Hà Nội dùng các xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản cũng như xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác bảo đảm ATTP của Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực như thức ăn đường phố, chợ cóc, chợ tạm, thực phẩm chức năng…

 

“Về tổng thể thì người dân cả nước cũng như Thủ đô vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm hiện nay”, Thủ tướng nhìn nhận. Một trong những mặt tồn tại là làng nghề, lò mổ; thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn; chế tài chưa rõ ràng, khó cho xử lý…

 

“Còn nhiều vấn đề bất cập mà các đồng chí phải tiếp tục khắc phục bên cạnh những kết quả bước đầu quan trọng này”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu Hà Nội thực hiện đầy đủ, toàn diện những chủ trương, nghị quyết của Chính phủ, nhất là Chỉ thị 13 về bảo đảm ATTP.

 

Không để tình trạng “cha chung không ai khóc”

 

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi việc, mỗi nhiệm vụ phải có đầu mối chịu trách nhiệm về ATTP, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi để xảy ra một vụ việc mất ATTP trên địa bàn mà không ai chịu trách nhiệm. “Lò mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh trên địa bàn phường thì ông chủ tịch phường có biết không? Chắc chắn là biết nhưng ông có xử lý không? Vì sao không xử lý?”, Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của chủ tịch phường về vấn đề này.

 

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ lò giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, quy hoạch lại các cơ sở giết mổ. Chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thức ăn đường phố, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND các phường.

 

Thức ăn đường phố ở Hà Nội phải vào nền nếp, quy trình, sạch sẽ để giới thiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam thông qua thành phố Hà Nội. Phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân như các bữa ăn tập thể và cả các cửa hàng bán bánh mì. “Nếu người dân ăn bánh mì của cửa hàng A, hiệu B mà đau bụng, bị ngộ độc thì cần điều tra, xử lý nghiêm chủ cửa hàng bánh mì đó chứ không thể để tình trạng giao bán bành mì một cách vô trách nhiệm với người dân”, Thủ tướng nói.

 

Hà Nội cần tiếp tục thông tin tốt hơn về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho Thành phố, bao gồm phát triển các vùng nông sản sạch, có thương hiệu và đẩy mạnh liên kết vùng. Kiểm soát ATTP tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, giò, chả, miến…

 

Giao Hà Nội nghiên cứu mô hình phản ứng nhanh về ATTP

 

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đồng ý việc Hà Nội mở rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP theo Quyết định 38 ra tất cả các huyện, xã, phường để bảo đảm tính đồng bộ trong thanh tra, kiểm tra.

 

Bộ Tài chính cần khẩn trương có thông tư cụ thể về phí liên quan đến ATTP.

 

Thủ tướng đồng ý giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm ATTP, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin để xử lý vi phạm.

 

Đối với các bộ, ngành chức năng, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành theo Quyết định 38 của thành phố Hà Nội để xem xét việc nhân rộng trên phạm vi cả nước.

 

Bộ NN&PTNT phối hợp với Hà Nội xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định hướng dẫn về ATTP tại các chợ, siêu thị.

 

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không an toàn, không rõ nguồn gốc. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP theo tinh thần Chỉ thị 13.

 

“Mong các đồng chí Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam của Thành phố vận động, cùng các cấp ủy, chính quyền đẩy lên một bước trong công tác bảo đảm ATTP, để Hà Nội đạt kết quả tốt hơn, mang lại niềm tin cho toàn dân Thủ đô rằng chúng ta sử dụng thực phẩm an toàn”, Thủ tướng bày tỏ.

 

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vào tháng 6/2016, Tập đoàn Vingroup đã cam kết tài trợ Thành phố 5 xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra ATTP.

 

Đây là những xe chuyên dụng nhập khẩu từ Mỹ, được trang bị những thiết bị hiện đại, có thể tiến hành test nhanh các mẫu rau, củ, quả, thịt, cá...

 

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến vào đầu tháng 12/2016, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận 5 chiếc xe chuyên dụng này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố sẽ lập lực lượng phản ứng nhanh, sử dụng những xe hiện đại này để thực thi công vụ.

 

“Chắc chắn công tác kiểm tra, xử lý, bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ đạt hiệu quả cao hơn", ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

 

Về việc thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, Hà Nội đã kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền trên 1,43 tỷ đồng. Sở NN&PTNT xây dựng danh mục 225 cơ sở rau thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện toàn thực phẩm trên trang web của Sở.

Hà Nội đã kiểm tra gần 77.400 lượt cơ sở và phát hiện trên 12.370 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền trên 22,6 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ.

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang