Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:17:35 GMT+7

Tin đăng lúc 03-11-2018

Lượt xem: 21738

Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu hút 10 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

Ðến hết quý III năm nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 492 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.602 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Tỉnh đã thu hút một số dự án có tổng vốn đầu tư hơn 40.600 tỷ đồng; trong đó, các dự án của doanh nghiệp trong nước có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng và dự án FDI có tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.
Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu hút 10 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

Nhằm phấn đấu thu hút 15 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, ưu tiên dự án thuộc các lĩnh vực có thế mạnh như: du lịch, bất động sản; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất; y tế, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong chuỗi giá trị của khu vực Ðông - Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương.

 

Từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước có thương hiệu lớn ở một số lĩnh vực tỉnh ưu tiên, gồm nhà đầu tư là đối tác uy tín của ngân hàng, quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài; nhà đầu tư đã thành công tại các tỉnh, thành phố khác và có nhu cầu chuyển đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công và uy tín tại tỉnh. Ðối với nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thái-lan, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ, châu Âu và doanh nghiệp đến từ những quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do; lợi thế của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động đã qua đào tạo và chi phí thấp.

 

Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung ở các địa bàn: Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương; TP Huế và các địa bàn khác. Tỉnh xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể cho từng dự án có đặc thù riêng; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực xúc tiến đầu tư; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng thị trường, cơ hội đầu tư; tạo điều kiện triển khai dự án sau khi có giấy chứng nhận đầu tư.

 

* Ðoàn khối doanh nghiệp tỉnh An Giang có hơn hai nghìn đoàn viên đang sinh hoạt tại 36 cơ sở đoàn trực thuộc (gồm 22 đơn vị doanh nghiệp nhà nước, sáu doanh nghiệp cổ phần nhà nước có vốn dưới 50%, tám doanh nghiệp tư nhân). Ðể phát triển đảng viên, trẻ hóa đội ngũ cán bộ trong các chi bộ, đảng bộ cơ sở của doanh nghiệp, các cấp ủy của tỉnh rất quan tâm đời sống chính trị, tinh thần của đoàn viên thanh niên, quán triệt đến từng tổ chức đảng, đảng viên về trách nhiệm bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng; chú trọng phát triển đảng cho đoàn viên ưu tú; giao cho Ðoàn chịu trách nhiệm thực hiện những khâu, những công việc khó đòi hỏi sự nhiệt tình, xung kích, giúp đoàn viên phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nguyện vọng, nhận thức để có hướng động viên, khuyến khích, uốn nắn kịp thời sai sót, yếu kém. Ðồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể tham gia góp ý, đề xuất, kiến nghị trong xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

 

Các cơ sở đoàn phát động nhiều đợt sinh hoạt chính trị “Ðoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam”; xây dựng quy trình bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú để cấp ủy đảng xem xét kết nạp, mở rộng đối tượng nguồn từ thanh niên tri thức đến thanh niên là công nhân trong doanh nghiệp. Ba năm qua, toàn tỉnh có thêm 256 đoàn viên thanh niên được kết nạp Ðảng, đạt 52% tổng số đoàn viên ưu tú được giới thiệu và chiếm 18,5% số đảng viên hiện có của Ðảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh.

 

Nguồn Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang