Thứ Năm, 25/04/2024 11:41:47 GMT+7

Tin đăng lúc 21-09-2018

Lượt xem: 2205

Thừa Thiên Huế: Vốn khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề truyền thống

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đáng chú ý là tháng 7/2018 vừa qua, tỉnh đã công bố danh sách 13 làng nghề tiêu biểu cần được bảo tồn lâu dài gồm các làng nghề: Gốm Phước Tích; đệm bàng Phò Trạch; rèn Hiền Lương; tranh dân gian Làng Sình; hoa giấy Thanh Tiên; nón lá Mỹ Lam; nón lá Thanh Tân; nón lá Vân Thê; dệt zèng A Đớt; dệt zèng A Hưa; dệt zèng xã A Roàng; dệt zèng thị trấn A Lưới...
Thừa Thiên Huế: Vốn khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề truyền thống
Nghề dệt zèng tại huyện vùng cao A Lưới

Điển hình có thể kể đến nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc A Lưới, với 5 làng nghề cần được bảo tồn lâu dài. Theo nghệ nhân dân gian nghề dệt zèng Hồ Thị Hợp, đây là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo. Chính bởi sự độc đáo này mà mới đây, nghề dệt zèng A Lưới đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Ông Phan Duy Thanh - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện A Lưới cho biết, phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn là phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Thời gian qua, nghề dệt zèng ở A Lưới đã nhận được sự tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công để từng bước khôi phục và tạo việc làm cho trên 1.000 hộ dân tham gia sản xuất, nghề dệt thổ cẩm. Thông qua nguồn vốn khuyến công, hiện trên địa bàn đã có máy dệt góp phần nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và tăng số lượng sản phẩm. Điển hình có thể kể đến HTX Dệt thổ cẩm A Co đã được hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để trang bị máy sản xuất vải zèng bao gồm bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, công suất 30m vải/ngày, góp phần thay đổi mô hình sản xuất từ thủ công sang máy móc. Nhờ vậy, sản phẩm truyền thống của làng nghề A Lưới có nhiều mẫu mã đẹp và phong phú hơn, giá thành hạ, năng suất dệt tăng cao hơn gấp 4-5 lần so với trước đây.

 

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Thanh cho biết, để khắc phục những khó khăn và hỗ trợ các làng nghề, trong 5 năm qua (từ 2012 - 2017), tỉnh đã dành 14,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ cho sản xuất, phát triển các làng nghề. Bên cạnh đó, tỉnh còn đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động trong các làng nghề…

 

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 144 tỷ đồng để hỗ trợ các làng nghề phát triển. Riêng năm 2018, nguồn vốn khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề truyền thống, trong đó sẽ tập trung các nghề như dệt zèng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, đệm bàng, nón lá… Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, nguồn vốn khuyến công cũng sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ cho các làng nghề./.

 

Quý Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang